Vụ việc thương hiệu lụa nổi tiếng Khaisilk bán hàng Trung Quốc giả danh hàng Việt Nam gây bức xúc trong dư luận, khi một thương hiệu được coi là niềm tự hào hàng Việt lừa dối người tiêu dùng hàng chục năm qua.
Để tạo dựng được một thương hiệu đã khó, nhưng giữ được vị thế thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế lại càng khó hơn và càng không thể bền vững nếu chỉ dựa vào kiểu làm ăn gian dối, chụp giật, “vỏ dày ruột rỗng”.
Có mặt trên thị trường từ gần 30 năm qua, Khaisilk đã được định hình trong tâm trí người tiêu dùng Việt cũng như bạn bè quốc tế về một sản phẩm lụa thuần túy đặc trưng của Việt Nam. Thế nhưng, mới đây, một khách hàng đặt mua sản phẩm để làm quà tặng, phát hiện và đưa ra các bằng chứng cho thấy khăn lụa của thương hiệu này cùng một lúc gắn 2 nhãn mác sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc.
Điều này khiến dư luận bất ngờ và càng bức xúc hơn khi chính ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu này thừa nhận đã bán lụa Trung Quốc trong một thời gian dài và khối lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường rất lớn với thương hiệu “Khaisilk Made in Viet Nam”.Với nhiều người tiêu dùng, đây là điều không thể chấp nhận được. Bởi sản phẩm của thương hiệu này hướng đến phân khúc thị trường cao cấp nên giá không hề rẻ, từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng và được nhiều người chọn làm quà tặng người thân, bạn bè, đối tác quốc tế, với niềm tin và niềm tự hào về sản phẩm cao cấp của Việt Nam.
Anh Lương Văn Thắng, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ, do tính chất công việc, nhiều lần anh chọn mua khăn lụa của Khaisilk để tặng cho đối tác nước ngoài. Nhưng khi chính ông chủ của thương hiệu này thừa nhận đó là hàng Trung Quốc, anh Thắng vô cùng thất vọng và bức xúc.
“Bên tôi mua nhiều sản phẩm của Khaisilk để tặng khách nước ngoài, đây không chỉ là sản phẩm khăn lụa mà còn là niềm tự hào vì sản phẩm Việt mang đẳng cấp quốc tế, nhưng bây giờ thì thật là thất vọng và cảm thấy buồn. Tôi nghĩ mỗi doanh nghiệp phải biết cách xây dựng lòng tin cho sản phẩm, phải trọng chữ tín hàng đầu nếu không thì trả giá đắt, như thương hiệu Khaisilk xây dựng 30 năm qua mà giờ lại sụp đổ”, anh Thắng nói.
Vụ việc Khaisilk gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho chính doanh nghiệp này, bởi sau khi xảy ra khủng hoảng thương hiệu, nhiều cửa hàng, đại lý Khaisilk đã phải đóng cửa, kinh doanh ngưng trệ. Sâu xa hơn, vụ việc còn làm tổn hại đến thương hiệu quốc gia và lòng tin của khách hàng vào mặt hàng đặc trưng của Việt Nam thường được dùng làm quà tặng cho bạn bè và khách du lịch quốc tế.
TS. Nguyễn Quốc Thịnh - chuyên gia tư vấn chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho rằng, không ít thương hiệu Việt sẽ bị hoài nghi nhiều hơn sau vụ Khaislik. Từ vụ việc này, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức được rằng, không thể tạo dựng thương hiệu mà quên đi giá trị cốt lõi là chất lượng sản phẩm và tính trung thực.
“Tôi cho rằng đây là kiểu làm thương hiệu “vỏ dày ruột rỗng”, không hiếm doanh nghiệp chỉ cố gắng đánh bóng, tạo ra vỏ bọc đẹp đẽ cho sản phẩm và uy tín của mình. Người tiêu dùng đôi khi không nhận ra, nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam, người tiêu dùng chưa quan tâm quyền lợi của mình, không có cơ hội được kiểm chứng, chưa liên kết cộng đồng người tiêu dùng. Nhiều người lặng im nên doanh nghiệp càng có cơ hội làm thương hiệu kiểu chụp giật, ăn xổi ở thì. Kiểu này trước sau gì cũng bị lật tẩy”, TS. Nguyễn Quốc Thịnh chỉ rõ.
Vụ việc này cũng đặt ra câu hỏi về vai trò quản lý của các cơ quan chức năng ở đâu khi một doanh nghiệp làm ăn gian dối suốt hàng chục năm qua mà không bị phát hiện? Ngay sau khi vụ việc Khaisilk “treo lụa ta bán lụa tàu” bị phanh phui, Bộ Công Thương đã chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường kiểm tra và thu giữ sản phẩm có dấu hiệu gian lận thương mại. Ngay sau đó, ngành thuế cũng khẳng định sẽ vào cuộc kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, đây chỉ là hành động xử lý, khắc phục hậu quả, còn khâu quản lý rõ ràng vẫn có vấn đề.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong vụ việc này, cơ quan quản lý thị trường cũng có trách nhiệm. Tuy nhiên, nhìn rộng ra có thể thấy một thực trạng đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập là ý thức, hiểu biết pháp luật và cả luật pháp quốc tế liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ và cả vấn đề cụ thể hơn liên quan đến xuất xứ hàng hóa còn rất yếu. Thậm chí trong chừng mực hành vi tiêu dùng còn có tính nương nhẹ, không dựa trên nền tảng của sự tôn trọng luật pháp quốc tế.
“Hiện, Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan, xác minh, làm rõ vụ việc của Khaisilk, trên cơ sở đó đánh giá mức độ vi phạm pháp luật để xử lý phù hợp. Thông qua vụ việc này, sau khi làm rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân của nó thì chúng tôi sẽ xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là của Bộ Công Thương trong hiểu biết, nhận thức và cách thức thực thi pháp luật, vai trò trong tham mưu chính sách của các cơ quan đó và rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Mặc dù ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk đã thừa nhận việc làm gian dối và cam kết thu hồi đền bù sản phẩm, nhưng thiệt hại vật chất có thể xác định được, còn thiệt hại, ảnh hưởng uy tín thương hiệu doanh nghiệp và quốc gia thì khó mà đong đếm.
Việc nhập hàng Trung Quốc rồi gắn mác thương hiệu của mình, "phù phép" thành hàng sản xuất tại Việt Nam không chỉ là gian lận thương mại, vi phạm đạo đức kinh doanh mà còn phản bội lại niềm tin của người tiêu dùng, rất đáng lên án và xử lý nghiêm minh.
Đây cũng là bài học cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu và cũng là tiếng chuông cảnh báo về những bất cập, lỏng lẻo trong quản lý. Để xảy ra sự việc rồi mới đi kiểm tra, khắc phục, xử lý là quá muộn.