Theo hãng RT, phát biểu tại một cuộc họp về an ninh quốc gia ở thành phố Khabarovsk hôm 5/7, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nikolay Patrushev khẳng định việc Mỹ và các đồng minh tiếp tục chuyển vũ khí hỗ trợ Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến kết quả chiến dịch quân sự của Nga "Nga sẽ đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bất chấp việc Mỹ và phương Tây đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ quân sự cho Kiev" - ông Patrushev nói.
Quan chức an ninh Nga lưu ý thêm rằng việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine không chỉ nhằm phục vụ yêu cầu an ninh cho riêng nước Nga mà còn đảm bảo an ninh trên toàn thế giới.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cũng cảnh báo số phận của vũ khí phương Tây gửi Ukraine. Bộ trưởng Shoigu nói rằng các vũ khí phương Tây gửi cho Ukraine đã xuất hiện ở Trung Đông và còn được bán ở chợ đen.
Phát biểu trong cuộc họp của Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Shoigu cáo buộc các nước phương Tây “hy vọng kéo dài xung đột ở Ukraine” nên đã “tiếp tục cung cấp thêm nhiều vũ khí cho Kiev”. Theo ông Shoigu, hơn 28.000 tấn hàng hóa quân sự từ phương Tây đã được chuyển đến Ukraine.
Tuy nhiên, ông Shoigu cho biết theo thông tin của quân đội Nga, một số lượng vũ khí do phương Tây gửi cho Ukraine “đang tràn lan ở khắp khu vực Trung Đông và còn được bán ở chợ đen”.
Tuyên bố của Bộ trưởng Shoigu được đưa ra ngay sau khi đài RT kết thúc cuộc điều tra về vấn đề vũ khí phương Tây chuyển đến Ukraine. Theo kết quả cuộc điều tra, sau khi Mỹ, Anh và các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine thì đã xuất hiện các trang web chợ đen cho phép khách hàng có thể mua được những loại vũ khí này.
Những người Ukraine bán vũ khí trên trang web đó cho biết họ không chỉ buôn vũ khí nhỏ hay áo giáp mà còn cả các loại phức tạp như hệ thống chống tăng Javelin và NLAW, phương tiện bay không người lái (UAV) Phoenix Ghost và Switchblade.
Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng bên bán không có sẵn vũ khí trong kho vì các điều tra viên của RT không hoàn tất giao dịch mua vũ khí nào.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông đã thảo luận về tầm quan trọng của việc theo dõi và bảo vệ vũ khí do Mỹ cung cấp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov.
Cuối tháng trước, các nước trong nhóm G7 (gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp và Italia) đã cam kết hỗ trợ Ukraine bằng mọi hình thức có thể. Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng London và Paris sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev để tăng cường sức chiến đấu cho Ukraine và tăng “trọng lượng” của các cuộc đàm phán.
Nga nhiều lần khẳng định rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ làm giao tranh kéo dài và làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO. Moscow cũng tuyên bố các lực lượng Nga sẽ coi bất kỳ vũ khí nào của nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine là mục tiêu quân sự hợp pháp.