Thông cáo của Bộ Năng lượng Mỹ hôm 6/8 cho biết, trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Năng lượng nước này Rick Perry và người đồng cấp Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih tại Washington, 2 quan chức thống nhất tăng cường hợp tác nhằm đối phó với khả năng Iran có hành động "gây bất ổn" thị trường dầu mỏ toàn cầu.
"Bộ trưởng Perry và Bộ trưởng Al-Falih tái khẳng định rằng với vai trò là 2 trong số các nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu thế giới, Mỹ và Ả Rập Saudi sẽ tiếp tục hợp tác để đảm bảo rằng thị trường dầu thế giới vẫn được cung cấp tốt và không để xảy ra gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là trước những cảnh báo từ phía Iran sẽ gây bất ổn trên thị trường năng lượng” - thông cáo nêu rõ.
Sau khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5/2018 tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran (JCPOA) và tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt đối với Iran từ tháng 11, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran đã sụt giảm mạnh.
Sau đó, Chính phủ Mỹ cho phép Trung Quốc, Hy Lạp, Ấn Độ, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran cho đến ngày 2/5/2019.
Trước đó, hôm 5/8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, mức yêu cầu tối thiểu của Iran về lượng dầu xuất khẩu theo JCPOA ký năm 2015 là 2,8 triệu thùng/ngày.
Phát biểu tại họp báo, ông Zarif cho biết, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã truyền đạt yêu cầu trên tới các nước châu Âu còn tham gia ký kết JCPOA. Ông Zarif nêu rõ: "Mức bán dầu mỏ của Iran phải được khôi phục đến mức tháng 5/2018 khi Mỹ rút khỏi JCPOA".
Ngoại trưởng Iran nói thêm rằng, các nước châu Âu tham gia thỏa thuận này cần thực hiện đầy đủ các cam kết của họ liên quan việc thanh toán tiền mua dầu cho Iran . Ông cảnh báo, Iran sẽ có bước đi tiếp theo nhằm giảm các cam kết hạt nhân nếu các bên tham gia JCPOA không đảm bảo các lợi ích kinh tế của Iran .
Hồi tháng 7 vừa qua, Iran đã rút một số cam kết của nước này trong JCPOA, theo đó nâng mức làm giàu uranium và tăng lượng dự trữ nguyên liệu hạt nhân đã được làm giàu.