Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WB: Kinh tế toàn cầu “ngấp nghé bờ khủng hoảng”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dẫn số liệu từ báo cáo mới nhất về theo dõi giá lương thực của WB, Chủ tịch Zoellick cho biết, giá cả lương thực toàn cầu tăng 10% có thể đẩy thêm 10 triệu người xuống dưới mức thu nhập nghèo đói 1,25 USD/ngày.

KTĐT - Dẫn số liệu từ báo cáo mới nhất về theo dõi giá lương thực của WB, Chủ tịch Zoellick cho biết, giá cả lương thực toàn cầu tăng 10% có thể đẩy thêm 10 triệu người xuống dưới mức thu nhập nghèo đói 1,25 USD/ngày.

Đó là nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick hôm qua (17/4), sau khi kết thúc Hội nghị mùa Xuân giữa WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, Mỹ.

Ông Zoellick cho rằng, giá năng lượng, lương thực tăng cao, tình trạng thất nghiệp gia tăng, diễn biến khó lường của cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu và những bất ổn địa chính trị tại Trung Đông, Bắc Phi có khả năng đẩy kinh tế thế giới tới bờ vực khủng hoảng.

Trong đó, theo ông, giá lương thực tăng cao là thách thức lớn nhất mà các nước đang phát triển phải đối mặt hiện nay. Ông cho rằng, cộng đồng thế giới cần đặt vấn đề an ninh lương thực lên hàng đầu, vì biến động giá cả mặt hàng này có thể làm người nghèo bất lợi và bị tổn thương.

Dẫn số liệu từ báo cáo mới nhất về theo dõi giá lương thực của WB, Chủ tịch Zoellick cho biết, giá cả lương thực toàn cầu tăng 10% có thể đẩy thêm 10 triệu người xuống dưới mức thu nhập nghèo đói 1,25 USD/ngày. Ngoài lương thực, giá dầu tăng đột biến thời gian qua có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế thế giới 0,3% và 1,2% lần lượt trong năm nay và năm sau.

“Từ tháng 6 năm ngoái có thêm 44 triệu người sống ở mức nghèo khổ. Những người này chỉ có khả năng chi không quá 1,25 USD cho một ngày. Nếu chỉ số giá cả lương thực, thực phẩm tăng thêm 10% thì theo dự báo của chúng tôi, sẽ có thêm 10 triệu người nữa rơi vào tình trạng bần cùng”, ông Zoellick nói.

Bên cạnh việc khẳng định kinh tế toàn cầu đang lấy lại đà tăng trưởng, ông Zoellick cũng nhận xét, tỷ lệ thất nghiệp cao ở những nền kinh tế phát triển vẫn là một nhân tố bất ổn lớn đối với sự phục hồi của kinh tế thế giới. Thêm vào đó, bất ổn địa chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi có thể hãm phanh đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trong thông cáo bế mạc cuộc họp bên lề Hội nghị mùa Xuân, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC) thuộc IMF cũng khẳng định, mặc dù có nhiều tiến triển trong năm ngoái, nhưng đà phục hồi của kinh tế thế giới vẫn còn nhiều tổn thương nghiêm trọng, do đó các quốc gia cần có những hành động tin cậy để đối phó thách thức.

Thông cáo nêu rõ những thách thức này bao gồm việc ổn định hệ thống tài chính, tình trạng nợ công, đảm bảo sự củng cố tài chính tại các nước phát triển đúng thời điểm, trong khi tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tránh tình trạng tăng trưởng quá nóng ở các nền kinh tế đang nổi cũng như việc giải quyết những nguy cơ do giá lương thực tăng cao.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn cho rằng các nền kinh tế đang nổi vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng quá nóng. Theo ông, ngoài vấn đề về giá lương thực và nhiên liệu leo thang thì nguy cơ lạm phát đang là một yếu tố ảnh hưởng tới đà tăng trưởng.

Chủ tịch IMFC Tharman Shanmugaratnam cũng cảnh báo nguy cơ lạm phát lan tràn tại các nền kinh tế đang phát triển đang gây ra mối đe dọa toàn cầu. Việc một số quốc gia tăng trưởng quá nóng, tín dụng tăng mạnh và giá cả nguyên vật liệu tăng nóng đã đẩy nguy cơ lạm phát lên mức cao trên toàn cầu.