Các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục thu dọn vệ sinh, vận hành máy sục tạo oxy để duy trì môi trường hồ ở mức tốt nhất trong khi khẩn trương tìm nguyên nhân cá chết.
Theo thống kê, tính đến ngày 4/10 đã có khoảng 200 tấn cá chết. Với nỗ lực của 1.000 quân Bộ Tư lệnh Thủ đô, hàng trăm công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (Urenco), Công ty TNHH MTV Thoát nước, Đoàn Thanh niên TP Hà Nội và lực lượng địa phương, hầu như toàn bộ số cá chết đã được thu dọn sạch sẽ.
|
Quang cảnh Hồ Tây chụp chiều 4/10 |
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, bên cạnh 40 máy sục tạo oxy cỡ vừa được vận hành liên tục từ chiều 2/10, Quận chuẩn bị cho lắp đặt thêm 2 máy sục cỡ lớn trong khu vực cá chết bất thường. Song song với công tác dọn dẹp vệ sinh mặt hồ, Sở TN&MT, Sở Y tế, Chi cục Thú y TP cũng đang cử nhiều đoàn cán bộ rà soát, kiểm tra các nguồn xả thải xung quanh hồ Tây để tìm nguyên nhân khiến cá chết. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
GS. Mai Đình Yên - Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết: “Hiện tượng cá chết tại hồ Tây nhiều như vậy khó có thể khẳng định nguyên nhân do thời tiết, lại càng không phải do bệnh lý thông thường của loài cá. Qua đó, chúng ta thấy nội tại sức khỏe của hồ Tây đã rất suy yếu, tình trạng ô nhiễm đã đến mức báo động cao.”
Việc cần làm ngay lúc này, theo GS. Mai Đình Yên là các cơ quan chức năng lấy mẫu nước hồ Tây tại nhiều điểm và vào các thời điểm khác nhau trong ngày để quan trắc, xét nghiệm 31 chỉ tiêu nuôi trồng thủy sản, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng hàng đầu phải làm rõ đó là: oxy, amoni, kim loại nặng, thuốc trừ sâu... Những chỉ tiêu này phải xác định được chính xác, nếu cần có thể thuê các đơn vị nước ngoài làm việc này. Ngoài ra, phải lấy mẫu các loài còn sống tại hồ như tôm, cua, ốc... phân tích nghiên cứu xem những loài này có nhiễm chất độc gì không để khuyến cáo người dân không nên ăn. Sau khi đã có kết quả quan trắc mẫu nước cùng với kết quản phân tích những sinh vật còn sống tại hồ Tây, căn cứ vào đó để xem xét tiếp tục cho thả cá xuống hồ, vì hồ không có sinh vật sống sẽ là hồ “chết”.
Về lâu dài, GS Mai Đình Yên cho rằng Hà Nội cần xây dựng một đề tài nghiên cứu toàn diện về việc quản lý các hồ trong đó có hồ Tây để các hồ phát triển bền vững theo hướng thích ứng với biến đổi khi hậu, phát huy hết tiềm năng.
PGS.TS Hà Đình Đức - Hội bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho biết: “Cá chết nhiều như thế tại hồ Tây thì không dễ gì lý giải được nguyên nhân chính xác trong ngày một ngày hai”. Ông Hà Đình Đức cũng cho rằng, trong thời gian đợi tìm nguyên nhân chính xác thì Hà Nội có thể sử dụng chất Redoxy - 3C để làm sạch nước hồ Tây. Đặc điểm của hồ Tây là quá rộng, không thể xử lý cùng lúc thì có thể khoanh vùng, quan trắc kết quả, thấy khả quan mới nhân rộng toàn mặt hồ; việc này sẽ rất tốn kém nhưng Hà Nội vẫn nên tính toán để làm. Bên cạnh đó, phải khẩn trương dọn dẹp, xử lý môi trường quanh hồ Tây, tránh phát sinh dịch bệnh. Về lâu dài, Hà Nội cần tập hợp các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực như môi trường, văn hóa, lịch sử... để cùng với các nhà quản lý đưa ra những giải pháp căn cơ cho tất cả các hồ trên địa bàn TP.