Nên có các kịch bản tăng trưởng cho năm 2021Hầu hết ý kiến đại biểu (ĐB) Quốc hội tại các tổ đều nhận định, trong 5 năm qua, đất nước đạt được nhiều thành tựu. Nếu tính 4 năm bình quân GDP 6,8% và vượt mục tiêu. Đến 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, GDP sau 10 tháng chỉ đạt 2,12% và kéo giảm trung bình 5 năm và không đạt so với kế hoạch. Tuy vậy, Việt Nam cũng là số ít nền kinh tế đạt tăng trưởng dương, thậm chí tăng cao nhất khu vực trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm do tác động của đại dịch. Đảng, Nhà nước cũng kịp thời có những chính sách hỗ trợ người dân; cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự “chia ngọt sẻ bùi” của Nhân dân đã thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tăng niềm tin của Nhân dân.Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra, tổng cầu giảm, thương mại thế giới giảm 20 - 30% nhưng quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu của nước ta vẫn tăng 11% và được xem là quốc gia tăng trưởng xuất khẩu cao nhất thế giới. “Việt Nam được thế giới ca ngợi là ngọn hải đăng trong chống dịch và là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế. Đây là những nỗ lực rất đáng trân trọng” – ĐB Trần Hoàng Ngân nói.Các ĐB cũng phân tích, Việt Nam đã tận dụng được thời cơ của hội nhập quốc tế, tận dụng được những lợi thế trong 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Tuy nhiên, các ĐB cũng cho rằng còn nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực cần đánh giá kỹ lưỡng, trong đó như vấn đề nợ công và bội chi ngân sách. Nếu tính tăng trưởng trên 4%, bội chi trên 6% thì nợ công sẽ rất cao và chắc chắn không an toàn. Đây là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu thời gian tới.Đối với năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, nhiều ĐB thống nhất với những mục tiêu, giải pháp Chính phủ đã đề ra. Tuy nhiên, ĐB Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng là khá cao so với tình hình thế giới nói chung và trong nước nói riêng. Đưa ra các giải pháp cho Chính phủ, ĐB đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong thời đại công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả; tiếp tục hỗ trợ, phát triển DN trong nước...ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, hiện còn nhiều yếu tố bất định trong tương lai, Chính phủ cần đưa ra các kịch bản tăng trưởng khác nhau chứ không chỉ có một kịch bản trình Quốc hội thảo luận là tăng trưởng GDP 6%. Theo ĐB, có thể đưa ra 2 kịch bản, nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP ở mức 6,8%, nếu không thuận lợi, có thể tăng trưởng 4,5%.Theo các ĐB, Chính phủ đặt ra mục tiêu kép là phù hợp, tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu phải là kiểm soát dịch bệnh, bởi nếu không kiểm soát được dịch bệnh thì mục tiêu phát triển kinh tế cũng không đạt được. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai đầu tư công, đẩy nhanh các gói hỗ trợ, hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư thông qua hình thức trực tuyến để hàng hóa đi ra nước ngoài, có cơ chế thu hút nhà đầu tư công nghệ cao.Lo thủy điện nhỏ gây thêm hậu quả thiên taiBão lũ miền Trung cũng là vấn đề được nhiều ĐB đặc biệt quan tâm khi thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phải lồng ghép nội dung khắc phục phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển cho cả nhiệm kỳ tới. Đây là trách nhiệm rất nặng nề mà Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan, trong đó có Bộ NN&PTNT tham mưu xây dựng kế hoạch. Trong đó phải chủ động di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai, không để thời gian tới vẫn có những vụ vùi lấp như vừa qua. “Tôi đề nghị Quốc hội phải bàn về việc này để chúng ta thông qua Nghị quyết để Chính phủ chủ động ngay trong năm 2021 di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai và hàng năm ngân sách T.Ư, địa phương phải chú ý vấn đề này” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.Các ĐB đề nghị, Chính phủ nên sử dụng nguồn quỹ dự phòng của năm 2020 để hỗ trợ nhiều hơn cho đồng bào miền Trung khắc phục thiên tai, có giải pháp giúp người dân khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.Từ vấn đề lũ, sạt lở đất ở miền Trung, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định, nạn phá rừng rất nghiêm trọng, tác động nặng nề đến môi trường mà bão lũ miền Trung vừa qua là minh chứng rất rõ. “Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ cho dừng gần 500 thủy điện cóc (dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ) là rất sáng suốt, vì thủy điện cóc gây thiệt hại không hề nhỏ. “Thậm chí có nhiều ý kiến lo lắng DN làm thủy điện nhỏ chủ yếu là để lấy cây, không trồng bù rừng. Quy định về duyệt thủy điện cóc cần tính lại, quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ rừng, tránh nguy cơ sạt lở”- ĐB Phạm Văn Hòa nêu.Đồng quan điểm, ĐB Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) cho rằng, các cơ quan chức năng phải thống kê, đánh giá lại toàn bộ hệ thống thủy điện, hồ đập. Bởi theo ĐB, các thủy điện thời gian qua đã đóng góp ngân sách thế nào thì chưa biết nhưng hệ lụy mang lại thì đã thấy rõ. Cụ thể về mùa khô thủy điện giữ nước lại, dẫn đến việc dân không có nước sản xuất; còn về mùa mưa, sợ vỡ đập, thủy điện xả nước khiến dân dưới hạ nguồn lãnh đủ. “Cần thiết thì phải có những chính sách tính toán cho hợp lý, cái nào dừng lại thì phải dừng” - ĐB nêuCùng vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cả nước hiện nay có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành khai thác với dung tích khoảng 56 tỷ mét khối, chiếm 86% dung tích hồ chứa nước trên cả nước. Hiện có 401/401 các đập đã được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về báo cáo hiện trạng an toàn đập; 100% đập thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập; có 376/401 đập chủ đập thực hiện theo đúng quy định về quy trình vận hành hồ chứa. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chúng ta có đầy đủ quy định quản lý Nhà nước trong đảm bảo công tác an toàn hồ đập thủy điện cũng như vận hành công trình hồ thủy điện cả liên hồ, đơn hồ. Trên thực tế, các bộ, ngành đã có chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương trong quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. “Qua thực tế, tất cả hồ đập thủy điện tại khu vực đều đảm bảo an toàn về đập cũng như vận hành của hồ. Tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định pháp luật” - Bộ trưởng khẳng định. Về nguyên nhân dẫn đến lũ lụt ở miền Trung vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần phải đánh giá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, tính dị thường, cực đoan của thời tiết, là một nguyên nhân lớn gây thiên tai, lũ lụt.
Báo cáo kinh tế - xã hội cần nhấn mạnh yếu tố phát triển toàn diện, hài hòa giữa kinh tế và xã hội. Trong chừng mực nào đó, quan tâm vấn đề xã hội, an sinh chưa tương xứng. Phải đặt nặng phát triển bao trùm bền vững là mục tiêu nhất quán, tập trung.Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung |