Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với kỷ nguyên số

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố như chi phí lao động thấp và cơ chế ưu đãi lớn.

Việc thiếu các chuỗi cung ứng tích hợp tại địa phương, khan hiếm các nhà cung ứng trong nước có chất lượng và các chính sách hiệu quả nhằm hỗ trợ các DN địa phương càng làm giảm năng lực cạnh tranh của các công ty. Đây là nhận xét trong Báo cáo các khuyến nghị về Chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020 – 2030, của IFC (thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới) được Bộ KH&ĐT giới thiệu ngày 9/7 tại Hà Nội.

Theo ông Kyle F.Kelhpfer - Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, những đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế Việt Nam là quan trọng. Tuy nhiên, để đa dạng nguồn vốn đầu tư từ khu vực FDI và nâng cao tính cạnh tranh của DN trong nước, Việt Nam cần có sự thay đổi về việc thu hút đầu tư, đa dạng nhà đầu tư (NĐT). Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường mối liên kết giữa DN Việt Nam và DN FDI để tạo lợi ích chung, với trọng tâm là chuỗi giá trị và các chương trình phát triển nhà cung ứng có mục tiêu. Báo cáo IFC chỉ ra hàng loạt lĩnh vực ưu tiên mới đó là: Công nghiệp ô tô, xe máy và công nghiệp phụ trợ (sản xuất kim loại/khoáng sản/hóa chất/nhựa phẩm cấp cao và linh kiện công nghệ cao), máy móc, thiết bị công nghiệp, logistics, sản phẩm nông nghiệp mới giá trị cao, công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo, dịch vụ ứng dụng CNTT…

Bên cạnh sớm có chiến lược mới về thu hút FDI, việc cam kết có môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, thuận lợi là cần thiết. Đại diện IFC đánh giá, đối với đầu tư nước ngoài hiện nay phân tán nhiều bộ, ngành và phối hợp kém hiệu quả, các NĐT đã đầu tư 4.0 nhưng cải cách Việt Nam vẫn là 2.0. Để giải quyết thách thức và nắm bắt cơ hội, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của DN trong kỷ nguyên công nghệ số. “Việt Nam cần triển khai một kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề nhằm giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch từ lao động tay nghề thấp sang lao động tay nghề cao; hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư, chuyển dịch từ xúc tiến thụ động sang xúc tiến chủ động ở một số ngành nghề ưu tiên; rà soát toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành; mở cửa một số ngành dịch vụ quan trọng và ban hành chiến lược chính sách xúc tiến đầu tư ở nước ngoài" - nhóm IFC kiến nghị. Đồng thời cho rằng Việt Nam cần xác định rõ định hướng, quy hoạch phát triển thu hút FDI trong giai đoạn tới gắn với quy hoạch phát triển ngành, từng địa phương, các khu kinh tế... Theo đó, cần xây dựng các dự án gọi vốn FDI cụ thể của từng ngành, địa phương, khu kinh tế… trên cơ sở đó có giải pháp tiếp cận các NĐT tiềm năng.