Đến nay, toàn xã Khai Thái đã có hơn 300 hộ chuyên canh cây rau cần ở trên 30ha đất nông nghiệp. Hộ ít khoảng 3 sào, hộ nhiều lên đến 7 sào, chủ yếu tập trung tại thôn Khai Thái với 29ha, còn lại trồng rải rác ở các thôn khác. Nhờ trồng rau cần, nhiều hộ đã thoát nghèo. Tuy nhiên, để thương hiệu rau cần ngày một nổi tiếng, UBND huyện Phú Xuyên đã mở các lớp tập huấn tuyên truyền về lợi ích, trách nhiệm của người dân khi tham gia xây dựng nhãn hiệu tập thể, quy trình kỹ thuật chăm sóc rau cần theo tiêu chuẩn VietGAP.
|
UBND huyện Phú Xuyên đã quan tâm đầu tư xây dựng nhà và bể sơ chế cây rau cần. |
Chủ tịch UBND xã Khai Thái Nguyễn Viết Thắng cho biết, tuy hiện nay cây rau cần đang được tư thương ở các chợ đầu mối của TP về tại bờ thu mua và bao tiêu sản phẩm nhưng để nâng cao giá trị kinh tế và quảng bá nhãn hiệu rau cần Khai Thái đến người tiêu dùng, UBND xã tập trung triển khai mô hình quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể. Điều này giúp sản phẩm kết nối được với nhiều siêu thị và cửa hàng rau an toàn (RAT) trên địa bàn TP. “Để người tiêu dùng tin tưởng, UBND xã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nắm vững quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn RAT với mục đích khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm. Xác định đây là cây trồng giúp nông dân làm giàu nên chính quyền địa phương đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội hướng dẫn kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất RAT” - ông Thắng chia sẻ.
Theo đó, người dân không được sử dụng phân hữu cơ tươi, không sử dụng phân bón vào giai đoạn sắp thu hoạch. Đặc biệt, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc điều hòa sinh trưởng cũng như thuốc kích thích khác. Ngoài ra, năm 2017 UBND huyện còn đầu tư, hỗ trợ xây dựng kiên cố hóa gần 200m kênh tưới tiêu cung cấp nước sơ chế rau.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành, để thương hiệu “Rau cần Khai Thái” tiến xa hơn nữa, UBND huyện đang xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích vùng nhân giống và sản xuất rau thương hiệu để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý, giúp người dân nắm bắt được kiến thức về trao quyền và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu rau cần. Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật khu thu hoạch sơ chế và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tiến tới tham gia các chương trình, hội chợ nông sản quảng bá sản phẩm rau cần đến với người tiêu dùng. Làm được những yếu tố này, cây rau cần sẽ trở thành cây đặc sản góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân Khai Thái.