Con gái con lứa chỉ biết đi làm đồng rồi về nấu cơm, con trai không đến nhà ai biết được. Nhưng nhìn ông Thẩm thật thà, đức độ nên anh Huy cũng là một tấm chồng đáng tin. Chị Sáu cũng không dám hỏi cha. Sợ lắm! Cha hay quát mắng, cha điều khiển tám đứa con trong gia đình này bằng một chiếc kẻng làm bằng ru loăng xe. Cứ mỗi sáng nghe kẻng là chị em tôi ra đồng, trưa nghe kẻng là nháo nhào chạy về ăn cơm. Ai muộn coi như cắt cơm. Chị Sáu thường hay chậm chạp nên phần được ít. Tôi tính hay ham chơi cùng bạn bè. Khi đặt bẫy, khi chơi trò trẻ con nên cũng nhiều lần chị nhường phần cho tôi để rồi lòng đói rệu. Mà tôi vô tâm quá! Mỗi lần chị Sáu nhường cơm tôi đều ăn hết không để chị tẹo nào. Cũng như ngày chị lấy chồng tôi đứng coi chị bước đi như một người dưng. Việc chị nhờ tôi nói là hệ trọng ở trên đời thì cha đã ngăn không cho nói. - Thằng Dũng, mi đi mô về? - Dạ, con sang nhà ông Thẩm. Tôi run rẩy đáp lại lời cha. - Đi coi mặt thằng Huy hộ con Sáu hả? - Dạ không, con chỉ xin mấy quả bưởi. - Bưởi mô rồi? - Con ăn và cho mấy đứa bạn. - Cấm tiệt nghe không, đố có bép xép là chết toi liền. Mi còn nhỏ chưa biết, con gái mà ở quá là thối đầu cha mi… Tôi lặng im, chị Sáu sang sông không một giọt nước mắt. Hôm đó là tháng năm âm lịch nhưng đám cưới vẫn diễn ra. Chị Sáu tuổi Thân lấy anh Huy tuổi Dần cưới vào ngày Hợi. Tờ lịch cũ vẫn được xếp trong ngăn bàn của nhà này. Tiếng kẻng cha đánh ngày đưa dâu vẫn còn trong trí nhớ của tôi. Một đồng đất trống trơ và phủ bụi. Cha lôi chị Sáu chạy trước con mắt của không biết bao nhiêu người. - Nhanh lên, sang trễ giờ người ta trả dâu nhục mặt cả họ. Cha gầm lên một cách dữ dội. Chị Sáu một tay vén váy áo, tay kia cầm đôi giày chạy hớt hải theo cha. Từ sau bước chân chị bụi bay trắng cả một vùng và chiếc khăn voan trên đầu chị rớt lại bay vào trong gió cát. Nước sông thấm vào váy chị, bụi đất bám vào váy chị tạo nên những bông hoa đất trên chiếc váy áo trắng hai màu. Pháo nổ đùng đoàng đón cô dâu vào nhà. Chị Sáu nhìn anh Huy trố mắt rồi chị lại nhìn tôi. Chị không nói chi nhưng nước mắt lại chảy hai hàng. Chị đã tin vào lời nói của tôi. Nhà anh Huy khá giả, em qua đó nhưng không gặp anh, anh đi làm đồng. Xe lăn! Từng bánh xe lăn nghiền lên xác pháo. Giấc mơ này đã ám ảnh tôi mấy chục năm trời cùng với tiếng hú lên hoang dại của con người trong cõi bệnh. - Dũng, em về nói với cha sang mang chị về. - Không được mô chị, cha giết chết. - Ở đây chị được sống chăng? Tôi lội sông mang lời chị về nói với cha, tôi không còn run rẩy nữa. - Cha, chị Sáu nói cha sang bên nhà ông Thẩm đem chị về. - Răng rứa?- Tiếng cha gầm ghị, cha nghiến răng cót két và mắt lại dựng lên. - Ở bên nớ chị sẽ chết! Cha lặng người đi, bất giác tôi nhìn vào mắt cha. Hình ảnh này xa lạ lắm! Tôi thấy mắt cha có chút buồn, chút thương. Mà dường như cha thương chị Sáu nhất trong đám con của mình. Chị Sáu đẹp, hiền lại biết vâng lời cha. Nhưng đáng ra cha tìm được cho chị tấm chồng xứng đáng… Nhưng đáng ra cha không nên đối xử với chị như vậy. Xe lăn! Từng bánh xe lăn rớt vào giấc mơ tôi trong đêm trăng sao vằng vặc. Chị Sáu đứng bên gốc dừa nhìn trăng. Chị Sáu đứng ở gốc vườn nghe tiếng lá dừa khua xào xạc. Năm đó, chị Sáu tròn mười bảy tuổi, bằng với gốc bưởi trong vườn nhà chồng. Nhà ông Thẩm có vườn bưởi rất sai, sang tháng tám chị Sáu thường gánh ra chợ bán. Bưởi phải được hái vào ban đêm, đến tận khuya cho vừa tươi khi mang ra chợ. Chợ phiên đông người, tôi lẽo đẽo theo chị từ lúc sáng sớm nhưng chị không hề hay biết. Đến giữa trưa chị mới thấy bóng tôi thập thò sau hàng nước, chị lại réo lên. - Dũng, em làm chi đây? - Em coi chị đi chợ. - Không chăn bò à? - Em thả phía bờ sông. - Bò mất là chết đó. Rứa em nói với cha chưa? - Dạ rồi. - Ý cha răng? - Cha im lặng. - Chị biết rồi. Chị quảy gánh đi khi trên hai đầu thúng vẩn còn rất nhiều bưởi. Về nhà, chị đặt gánh xuống lặng im đi ra phía vườn. Rồi chị đến ở cuối gốc vườn nhìn sông, nhìn làng, nhìn những lũy tre xanh che khuất căn nhà xưa yêu dấu. - Mấy ngày nữa rồi cha cũng sang đây thôi Dũng à. Chị nói với tôi nhưng mắt thì nhìn trống không giữa bao la gió. Tôi đứng lặng im nhìn xuống dưới chân mình. Khu vườn này chi chít vết xe lăn, từng vết xe chằng chịt lên nhau như ai đó gấp gáp trong cơn rượt đuổi. Và ở cạnh gốc bưởi có một đám đất được vết xe lăn xới tung lên vẫn còn màu mới. - Chị… - Ừ, em đừng buồn. Chị đã mất đời con gái ở gốc bưởi đó. - Nhưng hai người là vợ chồng mà. - Không phải thế, anh không coi chị là vợ. - Chị… - Em không hiểu mô, chỉ người lớn mới hiểu. Chỉ cha mới hiểu. Rồi mấy hôm nữa cha sẽ hiểu. Mùa thu, từng con nước trong vắt như chạm vào đáy tâm hồn. Đêm đó trăng sáng, cha đi lục lọi lại mấy cái thúng tre đang đan mứa chưa nẹp vành. Cha bảo tôi đem nắm mây ngâm vô nước để cha hoàn thành chúng. Nhưng tôi biết cha rất khó ngủ nên mới kỳ công cho có chuyện chứ thúng mủng đâu có bán được vào lúc này. Người ta toàn dùng đồ nhựa cả. Ngày trước có chị Sáu, chị hay đi chợ và chịu khó mời khách. Mấy người còn lại trong gia đình tôi ăn nói bốp chát ai mà thèm mua. Nhưng cha vẫn đan như lệ thường, thúng chất cả một căn nhà trước và đầy chái rồi nhưng cha vẫn cứ đan. Hay là cha nhớ chị Sáu? Hay là cha nhớ mạ? Tôi không biết, mạ mất từ hồi tôi mới lọt lòng, mấy chị em tôi hơn nhau chỉ có một tuổi. Chỉ thấy mắt cha dần trũng sâu và hằn lên những vết thâm đen do mất ngủ. Đêm đó mười giờ hơn, tôi đem nắm mây lên cho cha nhưng kỳ thực là để kiếm cớ nói chuyện về chị Sáu. Như hiểu được dụng ý của tôi, cha mở lời. - Hôm trước con có đi bên nhà Sáu phải không con? Giọng cha êm đềm, xúc cảm. Tôi nghe mà ứa nước mắt. Mặc dù trong câu nói này tình thương dành cho chị Sáu chứ không phải cho tôi. - Dạ. Tôi đáp lại lời cha. - Chị có nói chi không? - Chị bảo, rồi mấy hôm nữa cha sẽ sang. Cha thả cái mủng chỏng chơ đứng dậy đi đi lại lại rồi ngồi xuống gần tôi hơn. - Con thấy vẻ mặt chị con có làm khác không? - Dạ, chị cười nhưng trông buồn lắm! Con thấy vết xe lăn chằng chịt khu vườn, có chỗ vết xe cày xới. Chị nói anh Huy cưỡng bức chị. Mà cha… Tôi đã không thể tiếp lời khi cha bật khóc. Tiếng khóc cha khản đặc trong đêm. Nhưng tôi vẫn là đứa tội tình, tôi tàn không kém vết xe lăn khi cày vào cha mấy câu cho hết chuyện. - Con không hiểu răng cha gả chị Sáu về nhà ông Thẩm. Nhà bên đó có tới 3 người điên mà điên dữ chứ đâu phải điên hiền. Còn anh Huy, anh bị động kinh, liệt hai chân mà mắc phải bệnh tà dâm nữa… - Thôi… Cha thét lên, tiếng thét lạnh lùng vừa đủ để đau. - Ngày mai cha sẽ sang đó mang chị con về. Tôi mừng đến hét lớn. Tôi ôm cha mà lòng vui khấp khởi. Đêm đó tôi và cha không ngủ. Đêm đó tôi và cha nói với nhau đủ điều. Cha nói, thôi gạt bỏ mọi thứ đi, không hứa hẹn gì nữa. Khi mang chị Sáu về cha sẽ cất cho chị một mái nhà riêng, để chị ở đó có ai thương thì chị nhờ. - Anh Trung làng miềng anh cũng thương chị Sáu lắm đó cha, đến chừ vẫn còn thương… - Thằng Trung đã từng nói với cha. Nhưng hồi đó, cha có hứa với ông Thẩm rồi. Cha thở dài miên man. Ngoài kia, trăng tàn rơi đến quá nửa đêm. Ở phía làng bên kia sông có tiếng nhộn nhạo gì đấy. Tôi nghe không rõ lắm nhưng dường như là có chuyện thật. Tiếng người đông đúc chen nhau, tiếng chó sủa vang cả làng. Có cả tiếng kẻng báo động rộn lên mấy hồi. - Chắc lại đánh lộn nhau rồi cha hè? - Ờ, làng đó hay đánh lộn quá! - Cha đi ngủ trước đi, con nẹp xong chiếc này rồi con ngủ. - Thôi, cha nghe khó ngủ. Cha ra bờ sông một lúc, con cứ ngủ trước đi. Đêm đó, bên sông cha ngồi thức trắng. Cũng sau đêm đó cha sang nhà ông Thẩm để đón chị Sáu về. Tôi lẽo đẽo theo cha với gương mặt vênh váo. Chực như làm vũ khí khi họ không cho mang chị Sáu về. Cha lội qua bến sông trong ánh nắng ban mai một cách nhọc nhằn, tôi chạy một mạch, nước sông bắn lên tung tóe. - Cha, nhỡ người ta không cho miềng đem chị Sáu về… tôi gỡ miệng. - Chưa ai làm như cha bao giờ. Nhưng thôi kệ con ạ. Cha nói trong cái chép miệng đầy khô khan. Gió mùa này lùa lau lách hai bên bờ sông rạp xuống. - Em không hiểu mô, chỉ người lớn mới hiểu. Chỉ cha mới hiểu. Rồi mấy hôm nữa cha sẽ hiểu. - Ngày mai cha sẽ sang đó mang chị con về. Hai câu nói này bám riết tôi như vết xe lăn trên vườn nhà ông Thẩm. Nó không giống nhau nhưng lại đùng đục sâu, buồn và lạnh. Có cả sự bẽ bàng. Buổi sáng hôm đó, cha chết lặng nhìn người nhà ông Thẩm đứng vây quanh miệng giếng. Họ nhìn xuống đó, từng ánh mắt sâu. Ba người điên hú lên từng hồi lắc lư cái miệng giếng. Trên vườn nhà ông Thẩm lại có vết xe lăn mới tinh tươm, ở gốc bưởi lại có thêm một vùng đất bị cày xới. Không thấy chị Sáu đâu, tôi lục lọi tận trong nhà, ra đến ngoài vườn nhưng không dám nhìn xuống giếng. Ông Thẩm tiến đến gần cha tôi nhưng không nhìn bằng mắt. Gió đưa cây làm những trái bưởi tàn rơi lộp độp nhưng không dấu được vết xe lăn.