Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xem xét trách nhiệm lãnh đạo địa phương để xảy ra nhiều vi phạm thủy lợi

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin vừa được Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) công bố cho thấy vi phạm công trình thủy lợi vẫn diễn biến phức tạp trên khắp cả nước; trong khi việc xử lý còn hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu đến từ sự phối hợp thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Vi phạm nhiều, xử lý hời hợt

Số liệu tổng hợp từ các tỉnh, TP tính đến cuối tháng 4/2022 cho thấy, cả nước phát sinh 51.827 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Chỉ có 3 địa phương không để xảy ra vi phạm gồm: Lai Châu, Đà Nẵng và Vĩnh Long. Số vụ vi phạm ghi nhận nhiều nhất tại An Giang, lên đến 25.447 vụ.

Các vi phạm công trình thủy lợi chủ yếu là xây dựng nhà ở kiên cố, nhà tạm, nhà xưởng, kho tàng, lều lán, chuồng trại chăn thả gia súc, xây dựng tường bao, xây dựng bến bãi và điểm tập kết vật liệu xây dựng…

Ngoài ra, tại nhiều địa phương còn ghi nhận tình trạng đổ rác thải, chất thải và xả thải nguồn nước ô nhiễm vào hệ thống thủy lợi.

Một vi phạm công trình thủy lợi ghi nhận trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Quang Minh.
Một vi phạm công trình thủy lợi ghi nhận trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Quang Minh.

Thời gian qua, UBND các tỉnh, TP đã chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung phối hợp xử lý vi phạm công trình thủy lợi. Theo đó, các địa phương đã xử lý được 34.395/51.827 vụ vi phạm (chiếm 66,37% tổng số vụ vi phạm); còn tồn đọng 17.432 vụ vi phạm chưa được giải tỏa dứt điểm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết, các vi phạm được xử lý chủ yếu là hình thức lập biên bản, nhắc nhở và phạt cảnh cáo; thiếu các biện pháp xử lý mạnh như xử phạt, cưỡng chế, thu hồi để răn đe. Kết quả xử lý vi phạm hành chính thực tế còn rất thấp. Cá biệt một số địa phương có số vụ vi phạm nhiều nhưng không xử phạt hành chính như: Nam Định, Thanh Hóa, Hưng Yên.

Còn né tránh, ngại va chạm

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, nguyên nhân chủ yếu của việc vi phạm phát sinh nhiều nhưng xử lý còn hạn chế là do sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế; thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp. Việc phát hiện vi phạm còn chậm, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, nếu có xử lý cũng không cương quyết, còn né tránh, ngại va chạm. 

 

Tổng hợp số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy các vụ vi phạm công trình thủy lợi chiếm tỷ trọng cao thuộc 3 vùng: Đồng bằng sông Củu Long, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ (chiếm 88,2% tổng số vi phạm cả nước ghi nhận). Những vi phạm gây cản trở dòng chảy và vi phạm giấy phép hoạt động xả thải vào hệ thống thủy lợi có tỷ lệ xử lý dứt điểm cao nhất trong số các loại hình vi phạm.

Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, bảo vệ và khai thác công trình thủy lợi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các sở ngành, địa phương, công ty thủy lợi tăng cường kiểm tra, đánh giá và xử lý vi phạm thuộc địa bàn được giao phụ trách. Kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm, nhất là các trường hợp gây bức xúc trong Nhân dân.

Tiếp tục triển khai việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và bàn giao mốc chỉ giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để phối quản lý, bảo vệ. Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm. Đồng thời, công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân biết, cùng tham gia giám sát.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị UBND tỉnh, TP tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xem xét trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo đúng quy định pháp luật. Kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác công trình thủy lợi…