Xét xử đại án Oceanbank: Luật sư đề nghị truy đường đi số tiền 500 tỷ đồng

Đạt Lê - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/9, phiên xét xử đại án Oceanbank tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư bào chữa cho các bị cáo. Tại tòa, luật sư luật sư Phan Trung Hoài đề nghị truy nguyên đường đi dòng tiền 500 tỷ đồng của Oceanbank cho Công ty Trung Dung vay.

Đề nghị giám định thiệt hại 1500 tỷ đồng của Oceanbank
Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Phương Nam bào chữa cho nhóm 4 bị cáo: Tạ Hoàng Phương (cựu Giám đốc chi nhánh Nha Trang), Bùi Đức Quỳnh (cựu Giám đốc chi nhánh Bình Dương), Đỗ Quốc Trình và Hoàng Phương Nga (cựu Giám đốc phòng giao dịch Phú Mỹ Hưng). 4 bị cáo vừa bị VKS đề nghị mức án 24 - 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Họ bị cáo buộc đồng phạm với Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Oceanbank) và những người khác trong Hội sở nhà băng này, gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 1.500 tỉ đồng.
Theo luật sư Nguyễn Phương Nam, bản cáo trạng đã không phản ánh đúng bản chất vụ án mà đã quy kết 34 bị cáo đồng phạm với bị cáo Hà Văn Thắm và các bị cáo trong Hội sở. Đến phần luận tội, VKS đã không phân hóa hành vi, hành vi phạm tội ra sao, có phạm tội hay không.
 Các bị cáo tại phiên tòa ngày 18/9.
Luật sư Nam cho rằng, bị cáo Thắm thừa nhận trả lãi cho khách hàng gửi tiền cao hơn lãi suất trần, các ngân hàng đều thực hiện trong quá trình cạnh tranh. Theo đó, luật sư cho rằng cần đặt vụ án trong bối cảnh để xem xét khách quan cho các bị cáo. Đồng thời, cần làm rõ việc chi lãi ngoài này có gây thiệt hại cho Oceanbank hay không, con số thiệt hại đã được xác định rõ chưa. Ngay trong bản kết luận của Giám định NHNN cũng không kết luận đó là hậu quả, thiệt hại.
Đối với các bị cáo Phương, Nga, Trình, Quỳnh, các đơn vị mà họ công tác là từ cuối năm 2011 và đầu 2012, không thể nói là nhận chỉ đạo từ Hà Văn Thắm, việc nhận và chi lãi ngoài đều thực hiện qua hệ thống chứ không cần qua những người đứng đầu đơn vị.
 Luật sư Nguyễn Phương Nam tại phiên tòa.
Trước đó, các bị cáo bị VKS luận tội, thực hiện theo chủ trương, chỉ đạo của Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Minh Thu, Tổng Giám đốc Oceanbank, lãnh đạo các Khối nghiệp vụ thuộc Hội sở Ngân hàng; 34 bị can là Giám đốc các Chi nhánh, Phòng giao dịch thuộc Ngân hàng Đại Dương trực tiếp hoặc phân công, chỉ đạo các Phó giám đốc, nhân viên trong Chi nhánh, Phòng giao dịch thực hiện việc nhận tiền do Hội sở Ngân hàng Đại Dương chuyển để chi trả lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm cho các khách hàng gửi tiền tại Chi nhánh, Phòng giao dịch. Các bị cáo này đều biết và nhận thức được việc chi lãi ngoài lãi suất huy động vốn cho khách hàng gửi tiền là trái với quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn, nhưng do Hội sở chỉ đạo nên phải thực hiện và chỉ đạo các nhân viên cấp dưới thực hiện việc chi trả, gây hậu quả thiệt hại cho ngân hàng.
Truy về đường đi của số tiền 500 tỷ
Tại phiên xét xử, luật sư Phan Trung Hoài cùng 2 cộng sự bào chữa cho Phạm Công Danh, Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh)… cáo trạng đã truy tố Phạm Công Danh về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Theo cáo trạng cũng như quan điểm luận tội của đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa thì hành vi của Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm, trong đó có bị cáo Danh đã khiến Ngân hàng TMCP Đại Dương bị thất thoát hơn 343,5 tỷ đồng, trong khoản vay 500 tỷ đồng của Oceanbank cho Công ty Trung Dung (công ty sân sau của Phạm Công Danh).
 Luật sư Phan Trung Hoài tại phiên tòa sáng 18/9.
Luật sư Phan Trung Hoài cùng cộng sự cho rằng Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh không đồng phạm với Hà Văn Thắm. Bởi lẽ việc mua bán Ngân hàng Đại Tín, Danh chỉ ký hợp đồng khi mọi việc đã được Thắm và Phấn xắp xếp. Danh cũng không hề bàn bạc với Thắm khi dùng 6 bất động sản của nhóm Phấn làm tài sản bảo đảm vay tiền. Mặt khác, các bất động sản bảo đảm mà bị cáo Phấn tự nguyện cho Danh mượn làm tài sản bảo đảm đủ điều kiện thế chấp vay tiền ngân hàng. Đặc biệt là số tiền hơn 343,5 tỷ đồng không bị thất thoát vì toàn bộ tài sản bảo đảm hiện đã được niêm phong, chờ quyết định xử lý.
Nêu quan điểm bào chữa của mình, luật sư Phan Trung Hoài kiến HĐXX xem xét vì cho rằng mặc dù số tiền vay của Oceanbank bị sử dụng sai mục đích nhưng Phạm Công Danh không phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay…”, đồng thời, luật sư kiến nghị, truy nguyên đường đi của dòng tiền 500 tỷ đồng đã tất toán cho 5 khách hàng của bà Phấn nhằm thu hồi khắc phục hậu quả. Đồng thời, tiếp tục kê biên tài sản của bà Phấn và những người liên quan.
Trong số tài sản cầm cố cho khoản vay 500 tỷ đồng của Oceanbank, ngoài tài sản cầm cố là cổ phần của Công ty Trung Dung (250 tỷ đồng) thì còn có tài sản cầm cố của bà Hứa Thị Phấn. Luật sư cho rằng, không bỗng dưng bà Phấn lại cho Danh mượn tài sản để vay tiền, vì việc vay tiền này nhằm tất toán cho khoản vay trước đó của bà Phấn tại NH Đại Tín, sau này đổi tên thành VNCB. Cũng liên quan đến khoản tiền 500 tỷ, trước đó VKS cũng đề nghị buộc Hứa Thị Phấn phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền vay đã chiếm hưởng cùng với số lãi theo quy định cho Oceanbank.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần