Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử phúc thẩm vụ khởi tố xong 14 năm mới xử: Viện kiểm sát đề nghị tuyên y án sơ thẩm

Bài, ảnh: Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 19/12, TAND TP Hà Nội phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (Hà Nội) theo đơn kháng cáo kêu oan của hai bị cáo là anh em ruột Quản Đắc Quý (SN 1981) và Quản Đắc Thúy (1979) đã kết thúc phần xét hỏi.

Trước khi chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm đối với hai bị cáo.
Không chấp nhận nội dung kháng cáo
Theo bản án sơ thẩm, năm 2003, ông Quản Đắc Họp (bố đẻ của hai bị cáo Quý và Thúy) xảy ra xô xát với gia đình ông Đỗ Đăng Chuyên và con trai là Đỗ Đăng Của. Sau đó, cả hai bị cáo cùng bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” vì đã gây thương tích 34,16% cho anh Của. Từ thời điểm đó đến năm 2015, công an và Viện kiểm sát đã ra hơn 10 bản kết luận điều tra bổ sung, 4 bản cáo trạng để truy tố hai bị cáo Quý và Thúy về tội danh trên.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Đến ngày 26/5/2017 (sau 14 năm kể từ ngày khởi tố - PV), TAND huyện Hoài Đức mới mở phiên sơ thẩm và tuyên phạt Quý 5 năm 6 tháng tù và Thúy 5 năm tù. Sau đó, hai bị cáo đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng không gây thương tích cho bị hại Của.
Sau gần một ngày mở tòa, đại viện VKS cho rằng, căn cứ vào lời khai ban đầu của bị cáo cũng như những người liên quan nhận thấy phù hợp với lời khai của các nhân chứng trực tiếp có mặt tại hiện trường chứng kiến vụ việc. Theo đó, cho thấy lúc xảy ra vụ án các bị cáo đều có mặt tại hiện trường và gây ra thương tích cho bị hại là anh Của. Điều này phù hợp với lời khai của bị hại cũng như các chứng cứ và lời khai thu thập được có trong hồ sơ vụ án. Từ đó, có đủ cơ sở kết luận các bị cáo đã dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho anh Của.
Ngoài ra, VKS thấy rằng, việc HĐXX cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo mức án như trên là có căn cứ. Đối với đơn kháng cáo của các bị cáo cho rằng không phạm tội cố ý gây thương tích là không có căn cứ. Tuy nhiên, VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo về mặt hình thức. Còn đối với nội dung kháng cáo, căn cứ vào những nhận định, đánh giá nêu trên VKS thấy các bị cáo đã phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của hai bị cáo và giữ nguyên mức án như HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên về mặt tội danh, hình phạt.
Bị hại liên tục khai không đồng nhất
Trước đó, trong phần xét hỏi tại tòa vào buổi chiều, trả lời câu hỏi của các luật sư, bị hại Của đã liên tục đưa ra những lời khai không đồng nhất. Theo đó, khi bị luật sư chất vấn về việc có hình dung được con dao bị cáo chém mình là con dao gì? Bị hại Của cho rằng, đã khai ở cơ quan điều tra nên không khai. Tuy nhiên, khi bị HĐXX yêu cầu trả lời, bị hại trả lời là dao rựa.
Tiếp đó, khai tại tòa, bị hại Của cho biết, bị bị cáo vụt vào ngón tay trỏ. Tuy nhiên, khi luật sư dẫn lời khai của bị hại Của tại bút lục 238 cho thấy, bị hại lại khai bị vụt vào đầu, sau gáy, ngón tay trỏ và cái. Sau đó, bị hại Của khai rằng đến sơ cứu ở trạm xá trong tình trạng bị hôn mê không biết gì và tỉnh lại khi đã ở viện 103.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Hảo – làm việc tại Trung tâm y tế xã Vân Côn (người đã sơ cứu vết thương cho bị hại Của) cho biết, sau khi xảy ra vụ án có bệnh nhân Của đến trạm xá. Tại đây, bác sỹ Hảo đã tiến hành sơ cứu và tại thời điểm đó anh Của người rất tỉnh táo. “Trong trường hợp này, nếu anh Của đến mà ngất và ý thức không có thì tôi sẽ phải sơ cứu qua rồi chuyển viện ngay. Nhưng đây bệnh nhân tỉnh táo nên tôi không viết giấy chuyển viện mà cho về nhà điều trị ngoại trú” – bác sỹ Hảo nói.
Ngày mai (20/12), phiên tòa sẽ được tiếp tục với phần bão chữa của các luật sư.