Xét xử vụ bảo kê ở chợ Long Biên: Những tình tiết mới nhất về Hưng “kính”

Đạt Lê - Hoàng Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau nhiều ngày tạm hoãn, phiên toà xét xử Hưng "kính" và 4 đồng phạm bảo kê ở chợ Long Biên, Hà Nội được mở lại vào sáng nay 25/7.

Bị hại vẫn kinh hãi Hưng “kính”
 Bị cáo Nguyễn Kim Hưng tại toà.
Theo đó, sáng cùng ngày, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, SN 1963, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tội Cưỡng đoạt tài sản. Vụ việc xảy ra trong một thời gian dài ở chợ Long Biên gây bức xúc trong dư luận.
Nhóm đồng phạm là “đàn em” của Hưng “kính”, tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2, chợ Long Biên cùng gồm: Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”, SN 1970), Lê Thanh Hải (Hải “gió”, SN 1963), Nguyễn Mạnh Long (Long “cao”, SN 1962), Dương Quốc Vương (Vương “lợn”, SN 1968).
 Phiên toà xét xử Hưng 'kính' cùng đồng phạm sáng 25/7.
Tại phiên toà này, có 5 luật sư được mời tham gia bào chữa cho nhóm Hưng “kính”; 04 luật sư được mời tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại.
Theo cáo trạng, năm 2008, chị Nghiêm Thúy Nga (sinh năm 1981) và chồng là anh Hoàng Anh Hà (sinh năm 1972, cùng trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên. Chị Nga, anh Hà thường xuyên bị các đối tượng: Nguyễn Kim Hưng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long, Dương Quốc Vương (là tổ trưởng và nhân viên tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên) có hành vi đe dọa, chèn ép trong công việc kinh doanh để bắt phải nộp nhiều loại tiền khác nhau.
Dưới danh nghĩa là những nhân viên của tổ bốc dỡ số 2 thuộc chợ Long Biên, Nguyễn Kim Hưng đã chỉ đạo Vương, Hải, Long sử dụng các thủ đoạn chèn ép, gây khó khăn, đe dọa hộ kinh doanh của gia đình anh Hà, chị Nga. Hưng chỉ đạo đồng bọn không thu tiền theo các bảng kê do Ban quản lý (BQL) chợ Long Biên phát hành mà thu theo bảng kê do Hưng tự đặt ra. Sau đó, bọn chúng chép và nộp lại một phần số tiền này theo bảng kê của Ban Quản lý chợ Long Biên phát hành. Phần lớn còn lại đem chia nhau và dùng vào các mục đích khác.
Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Hữu Tiến, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long và Dương Quốc Vương khai nhận từ ngày 1/1/2018 đến ngày 24/9/2018 được chia tổng số tiền là 46,4 triệu đồng. Trong đó, Tiến được hưởng 23,7 triệu đồng, Long được hưởng 11,6 triệu đồng Vương được hưởng 11,1 triệu đồng...
 Các bị hại tại phiên toà.
Sáng nay, khi vào phòng xét xử và gặp Hưng “kính”, bị hại Nghiêm Thúy Nga vội rời khỏi phòng xử án với dáng vẻ sợ hãi. Chị Nga ôm mặt khóc nước nở và nói rằng rất sợ Hưng “kính”. Tại đây, nhiều người thân của bị hại vội chạy lại an ủi và hỏi sự tình “Em sợ lắm mọi người ơi... nhìn mặt hắn (Hưng “kính”) là em sợ...”, chị Nga lo lắng. Sau khi được người thân an ủi, chị Nga tiếp tục quay lại phòng xét xử.
Trong khi đó, có mặt tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Kim Hưng luôn nở nụ cười mỗi khi nhìn thấy người thân. Và bị cáo Hưng do bị đau chân nên tòa cho được ngồi khai báo. Trước đó, ngày 11/7, Hưng "kính" và nhóm đàn em ra hầu tòa, bị cáo này luôn đưa tay che mặt, tránh ống kính phóng viên. Hơn thế, “ông trùm” này bật khóc nức nở khi bị đưa ra xe thùng chở về trại tạm giam…
“Ông trùm” chối tội
Tại phần xét xử, Hưng “kính” khai cáo trạng quy kết về tội danh của bị cáo có phần đúng, phần chưa đúng. Bị cáo vào làm ở chợ Long Biên từ năm 1991, được phân công Tổ trưởng Tổ Bốc dỡ hàng hóa số 2 với nhiệm vụ chính là triển khai công việc từ Ban quản lý chợ đến các nhân viên trong tổ, chấm công…
Về việc thu tiền của các hộ kinh doanh không theo mẫu do Ban quản lý chợ phát hành là do mẫu cũ bản lớn, khi gặp trời mưa dễ nát nên đã dùng bản kê nhỏ hơn để thuận lợi cho công việc chứ không có mục đích gian dối. Lý giải về việc không cho các xe hàng của chị Nga đỗ tại ki-ốt kinh doanh, Hưng khai bởi việc đỗ xe gây ách tắc và ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ.
 Đồng phạm của Hưng 'kính' tại phiên toà.
Tuy nhiên, chị Nga trình bày thêm trước sự chèn ép, đe dọa của Hưng và nhóm nhân viên, chị đã 5 lần làm đơn lên Ban quản lý chợ. Ban quản lý chợ đã triệu tập các cuộc làm việc để giải quyết. Nhưng các nhân viên trong tổ của Hưng “kính” chỉ thu đúng theo quy định 5 ngày, sau đó lại tự ý thu tăng lên và có nhiều hành động “trừng phạt” như dùng xe và mang các bao cá thối đến chặn trước cửa.
Cung cấp những thông tin tới HĐXX, đại diện Ban quản lý chợ thừa nhận đã 5 lần nhận được đơn trình báo của hộ kinh doanh chị Nga và đều đã giải quyết, yêu cầu hai bên cam kết thực hiện đúng các quy định.
Tại phiên xét xử, Chủ tọa cho biết về trách nhiệm của Ban quản lý chợ, cơ quan điều tra đã bóc tách để tiếp tục điều tra, làm rõ thêm. “Bị cáo suy nghĩ gì về việc làm của mình?” - trả lời câu hỏi trên của Chủ tọa, bị cáo Hưng “kính” thừa nhận đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong thời gian dài vì bị bệnh tật. Tuy nhiên, bị cáo phủ nhận vai trò chỉ đạo các bị cáo khác. Số tiền thu được đều nộp về và do ban quản lý chợ quản lý.
Trước câu trả lời này, Chủ tọa phiên xét xử lưu ý bị cáo nếu việc thu tiền theo đúng quy định thì vụ án này đã không xảy ra. Trong quá trình điều tra vụ án đã thu thập được nhiều tài liệu và nhân chứng cho thấy việc các bị cáo trên thực tế không bốc dỡ hàng hóa mà vẫn thu tiền và có nhiều hành vi gây sức ép, cản trở công việc của hộ kinh doanh chị Nga anh Hà, khiến họ phải nộp tiền…

Trong phiên xét xử vào sáng 25/7, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa cho biết: Theo hồ sơ thể hiện nhân thân của bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính") thì ngày 17/6/1982, Công an quận Hoàn Kiếm đã xử lý đối tượng về hành vi hiếp dâm. Tiếp đến vào ngày 30/7/1984 và ngày 14/6/1986, Hưng bị Công an quận Hoàn Kiếm xử tội gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Đến ngày 14/11/1990, đối tượng tiếp tục bị Công an quận Hoàn Kiếm xử lý hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng. Ngày 18/6/1996, Công an TP Hà Nội xử lý hành vi phạm qui định về ATGT; Ngày 13/10/1996 Công an Hoàn Kiếm xử lý hành vi cưỡng đoạt tài sản.