Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xu hướng "siêu đô thị hoá"

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải mãi đến tận bây giờ mới thấy có xu thế đô thị hoá trên thế giới.

Xu thế đô thị hoá bao gồm 3 nội hàm chính là ngày càng có thêm nhiều đô thị trên thế giới. Ngày càng có thêm nhiều người dân bỏ vùng nông thôn ra sống ở đô thị và đô thị trở thành trung tâm  của vùng, khu vực, quốc gia, châu lục và thậm chí của cả thế giới nữa. Nhưng xu thế "siêu đô thị hoá" trên thế giới thì phải đến thời thế giới hiện đại mới thấy có.

 Ảnh minh họa.

Theo định nghĩa và phân loại của LHQ, đô thị được công nhận là siêu đô thị, tạm dịch từ Mega-City, khi có ít nhất 10 triệu dân sinh sống. Hãng Euromonitor mới đây công bố kết quả nghiên cứu cho thấy đến năm 2030 thì trên thế giới sẽ có ít nhất 39 Mega-City và các đô thị khủng này làm ra 15% GDP của cả thế giới.

Chẳng hạn như hiện tại Trung Quốc có 6 siêu đô thị, trong đó có Bắc Kinh và Thẩm Quyến. Cả châu Phi cùng với khu vực Trung Đông và vùng Vịnh chỉ có 3 siêu đô thị là Lagos (Nigeria), Cairo (Ai cập) và Teheran (Iran). Cả châu Âu chỉ có 4 là London (Anh), Paris (Pháp), Moscow (Nga) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Cho đến năm 2030, hãng kia dự đoán là sẽ có thêm ít nhất 6 siêu đô thị nữa là thủ đô Bogota của Colombia (năm 2013 đã có 8 triệu dân), thủ đô Luanda của Angola, thành phố Chennei của Ấn Độ (hiện đã có khoảng 9 triệu dân), thủ đô Bagdad của Iraq, thủ đô Daressalam của Tanzania và Chicago của Mỹ.

Điều đáng chú ý là trong diện siêu đô thị mới ấy không có thành phố nào ở châu Âu và ở Mỹ cũng chỉ có một mà chủ yếu ở nơi khác. Đấy cũng còn là một nét đặc biệt về chiều hướng phát triển đô thị chung trên thế giới. Đô thị lớn nhỏ nào thì cũng đều bị thách thức trong những vấn đề như phát triển cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, điều kiện sống như chỗ ở, cung ứng điện, nước, giao thông, tội phạm và hàng loạt vấn đề khác nữa mà không phải đô thị cứ càng lớn thì càng dễ giải quyết chúng.