Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Nguồn internet |
Trước đó, trưa 1/3, thiếu niên Hạng A Câu (16 tuổi, trú tại xã Sa Pả, huyện Sa Pa) điều khiển xe máy trên Quốc Lộ 4D. Khi đến km108 + 600, Hạng A Câu đã lấn sang đường ngược chiều, vượt xe không đảm bảo an toàn rồi đâm vào ô tô biển số 24A - 029.19 ngã ra đường. Đúng lúc này, ô tô biển 29B – 613.99 lao đến chèn qua dẫn đến tử vong, các phương tiện hư hỏng nặng.
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, người nhà nạn nhân cùng nhiều người dân địa phương đã kéo ra khu vực hiện trường vụ tai nạn gây mất trật tự nhằm mục đích "bắt đền tài xế", đòi tài xế lái xe ô tô con phải bồi thường 400 triệu đồng vì đã làm chết người.
Dù lực lượng chức năng tiến hành vận động, thuyết phục nhưng nhiều người dân, người thân nạn nhân, trong đó, có một số người say rượu tiếp tục ra có hành vi gây mất trật tự, cản trở việc đưa thi thể ra khỏi hiện trường, yêu cầu phải bồi thường ngay, dẫn đến ùn tắc giao thông.
Liên quan đến vụ cả bản "bắt vạ" tài xế 400 triệu đồng sau tai nạn chết người, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức cuộc họp nghe các cơ quan chức năng báo cáo vụ việc. Theo kết quả điều tra, Hạng A Câu chưa đủ 18 tuổi nên chưa được phép điều khiển mô tô hai bánh; đồng thời, nam thiếu niên đã lấn sang đường ngược chiều, vượt xe không đảm bảo an toàn. Do đó, lỗi xảy ra trong vụ tai nạn thuộc về Hạng A Câu.
Về phía hai tài xế Nguyễn Trọng Nghĩa điều khiển ô tô 24A - 029.19 và Nguyễn Đức Phương, điều khiển ô tô biển 29B - 613.99 có đầy đủ giấy tờ, không vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho hay, trước hết, hành vi cản trở cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi của người dân là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong tố tụng hình sự, điều tra viên sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật… để làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Những người dân cản trở cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi còn gây ách tắc giao thông nhiều giờ cần phải có hình thức xử lý nghiêm khắc.
Khi vụ tại nạn xảy ra chưa biết nguyên nhân, ai đúng, ai sai, chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền xác định nội dung vụ việc mà người dân đã yêu cầu tài xế ô tô phải bồi thường là không đúng. Bởi lẽ việc xác định vụ việc có dấu hiệu của vụ án hành sự hay vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng.
Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng mới có thể đưa ra yêu cầu trên cơ sở thiệt hại thực tế và quy định của pháp luật. Cho nên việc những người dân đưa ra yêu cầu bồi thường và không cho khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, có các hành vi gây ách tắc giao thông cần phải xử lý nghiêm để không tạo ra các tiền lệ xấu “phép vua thua lệ làng”.