Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý người chưa bị xác định mắc Covid-19 bỏ trốn khỏi khu vực cách ly

H.T
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chung cư nơi chúng tôi sinh sống có một người mắc Covid-19, đã được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Cũng vì vậy, chính quyền đã ra quyết định cách ly tất cả các căn hộ cùng tầng với căn hộ nơi người này sinh sống.

Theo tôi hiểu, biện pháp cách ly như trên nhằm khoanh vùng, phòng chống việc lây nhiễm ra cộng đồng. Những người bị cách ly tại đây đang chờ kết quả xét nghiệm và chưa được xác định là người nhiễm bệnh. Giả sử, có ai đó không tuân thủ, đi ra ngoài, họ sẽ bị xử lý như thế nào?

Nguyễn Thanh Hà, Hà Nội

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) trả lời:

Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định những hành vi bị nghiêm cấm  bao gồm:

“1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam. Trong đó, tên dịch bệnh: COVID-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra); Thời gian xảy ra dịch: từ ngày 23/1/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra); Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: toàn quốc; Nguyên nhân: Do chủng mới của vi rút Corona gây ra; Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu; Đường lây: Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Một trong những biện pháp để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm là cách ly y tế.

Theo khoản 16 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, “cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh”.

Thông tin của bạn cho thấy, mặc dù chưa được xác định là người nhiễm bệnh, nhưng người bị cách ly không tuân thủ quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bỏ trốn ra ngoài là vi phạm điều cấm của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự như sau:

Trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính:

Theo điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, hành vi “từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này” bị phạt tiền từ từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Mức phạt tiền nêu trên áp dụng cho người chưa được xác định mắc bệnh SARS-COV-2. Đối với người mắc bệnh, mức phạt tiền tăng lên từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3 của Điều này. Đó là: “Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1, Khoản 2 Điều này”.

Trường hợp bị xử lý hình sự:

Theo điểm 1.2 công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, “người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295:

a) Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa;

b) Không tuân thủ quy định cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối”.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly như trường hợp bạn nêu, không tuân thủ, có hành vi trốn khỏi khu vực bị cách ly gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người.

Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người như sau:

“1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Làm chết 2 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Tóm lại, việc áp dụng biện pháp cách ly y tế là nhằm phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hạn chế nguy cơ lây lan từ người sang người. Mọi người có trách nhiệm tuân thủ để bảo vệ chính mình, người thân và cộng đồng, góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Nếu vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi sẽ bị xử lý như trên.