Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu gạo nắm cơ hội bứt phá

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu bị sụt giảm mạnh thì gạo hiện đang là mặt hàng sáng giá bứt phá cả về lượng và giá trị xuất khẩu. Với mức giá trung bình 480 USD/tấn, mục tiêu xuất khẩu gạo đạt kim ngạch 3,9 tỷ USD trong năm nay hoàn toàn có thể đạt được.

Giá gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 5 tháng đầu năm 2020, gạo là mặt hàng có giá trị tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm nông nghiệp, đạt khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 18,9%, giữa lúc tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 5/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 11,7% về lượng và 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 750.000 tấn, trị giá 395 triệu USD.
Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019. Phân tích về kết quả này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho hay: “Xuất khẩu gạo tăng mạnh sau khi Chính phủ cho xuất khẩu bình thường trở lại từ ngày 1/5, không chỉ tăng về lượng mà giá xuất đi còn bật tăng cao nhất từ trước tới nay”.
 Xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Bùi Quyền
Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu gạo của nước ta đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay.
Một tin vui nữa dành cho các DN xuất khẩu đó là mới đây, Việt Nam vừa trúng thầu cung cấp 30.000 tấn gạo trắng, với mức giá 497,3 USD/tấn cho Philippines. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là một tín hiệu tốt chứng tỏ Việt Nam có đủ lượng gạo chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, các DN trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đã có bước chuyển tích cực. Hiện lượng gạo cao cấp và gạo thơm chiếm trên 60% tổng lượng gạo xuất khẩu; phân khúc gạo trung bình và phẩm cấp thấp chỉ chiếm 12%. So với 10 năm trước đây, tỷ lệ xuất khẩu gạo cao cấp, gạo thơm đã tăng lên 50%
Triển vọng xuất khẩu toàn cầu
Dự báo tình hình thị trường, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, Philippines đang tiếp tục tìm nguồn nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo để tăng cường kho dự trữ Chính phủ nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho mùa có nguồn cung thấp điểm hằng năm vào quý III. Bên cạnh đó, Bangladesh cũng đang thu mua thêm 200.000 tấn lúa từ vụ thu hoạch đang diễn ra để bảo đảm nguồn cung cho các hoạt động cứu trợ nội địa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây lan ở nước này.
Với những thuận lợi về thị trường, đặc biệt là nhu cầu gạo của thế giới tăng cao từ khi Covid-19 bùng phát, các DN xuất khẩu gạo nước ta đang có cơ hội tăng sản lượng và giá xuất khẩu. Theo phản ánh của một số DN, mặc dù những ngày đầu tháng 6/2020, giá gạo bắt đầu chững lại vì nhiều thị trường lớn đang tạm ngưng ký hợp đồng để chờ giá xuống. Tuy nhiên, tính chung, giá gạo năm 2020 tăng 25 - 30% so với năm ngoái và dự báo đến cuối năm, gạo vẫn tiếp tục giữ giá tốt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, triển vọng xuất khẩu toàn cầu đang mở ra đối với lúa gạo của Việt Nam khi Hiệp định Thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua và dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020. Cụ thể, với cam kết trong EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm; đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm đối với sản phẩm từ gạo.

"Để tăng được giá trị xuất khẩu thì điều DN cần quan tâm nhất vẫn là bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc hạt gạo, đặc biệt tập trung xuất khẩu các loại gạo thuộc phân khúc chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản để có mức giá tốt." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh