70 năm giải phóng Thủ đô

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc qua đường chính ngạch khởi sắc

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, Việt Nam đã có 12 loại rau quả được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Việc chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường 1,4 tỷ dân này sẽ thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Hàng loạt rau quả Việt được cấp “visa” vào Trung Quốc

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 11 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng rau quả xuất khẩu ghi nhận tăng cao về giá trị, nhất là các loại rau quả xuất sang thị trường Trung Quốc.

Chuối Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Philippines về xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 9/2022. Ảnh minh họa
Chuối Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Philippines về xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 9/2022. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, sầu riêng, thanh long, chuối… đã xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc nhờ những Nghị định thư được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt, chuối Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Philippines về xuất khẩu sang Trung Quốc. Mới đây, hai bên đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội cho xuất khẩu tại thị trường này.

Nhận định về thị trường Trung Quốc cho tiêu thụ rau quả thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Quỹ Mão 2023, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đánh giá, thị trường rau quả của Việt Nam còn bị chi phối nhiều từ thị trường Trung Quốc.

Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc chiếm 50%. Văn hóa Trung Quốc khá tương đồng với văn hóa của Việt Nam nên nhu cầu cần rau quả phục vụ dịp Tết sẽ cao để phục vụ văn hóa tâm linh. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến giá và lượng tiêu thụ.

“Năm ngoái, dịp giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chính sách "Zezo Covid" của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến người sản xuất, kinh doanh nông sản ở Việt Nam. Năm nay, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách "Zezo Covid" nên tình hình sẽ khởi sắc hơn. Có thể vẫn xảy ra hiện tượng ùn ứ tại biên giới nhưng không nhiều như năm ngoái” - ông Đặng Phúc Nguyên dự báo.

Như vậy, tính đến nay, có 12 loại rau quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng và khoai lang. Hằng năm, Trung Quốc nhập khẩu hơn 15 tỷ USD mặt hàng rau quả. Vì vậy, nhiều DN kỳ vọng, với việc mở cửa cho hàng loạt rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng này vào năm 2023.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến

Thực tế, vài năm trở lại đây, thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều và cuộc chơi chính ngạch đòi hỏi các DN Việt Nam phải hiểu rõ để làm tốt, làm đúng quy định, xây dựng chất lượng ổn định mới có thể tồn tại ở thị trường này.

Sơ chế, đóng gói thanh long xuất khẩu ở Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường, Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí
Sơ chế, đóng gói thanh long xuất khẩu ở Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường, Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa lưu ý, vào dịp Tết, nhu cầu hoa quả tươi của thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tới hơn 50% lượng hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam.Trong khi đó, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cuối năm đối với trái cây khá lớn.

Hiện nay, việc xuất khẩu phải gắn với vùng trồng, gắn với cơ sở đóng gói; mỗi vùng trồng đều gắn với sản lượng và diện tích, nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu.

Phân tích về xu hướng thị trường, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, đại dịch Covid-19 cho thấy chuỗi cung ứng thực phẩm tươi dễ hư hỏng, chỉ phù hợp tiêu dùng nội địa, trong khi thực phẩm chế biến bảo quản được lâu nên đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người tiêu dùng quốc tế. Thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025.

Do đó, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị DN cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các DN cần kiên trì để duy trì thị trường và luôn luôn phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vì đây là yếu tố sống còn để giữ được thị trường.

Dự báo năm 2023, rau quả chế biến vẫn sẽ là ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng. Phát triển ngành hàng rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát được giá thành mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với giá rau quả tươi. Mặt khác, việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu giúp tăng thời gian bảo quản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung.

Mặc dù vậy, việc phát triển các sản phẩm rau quả chế biến còn nhiều khó khăn do chưa có nhiều vùng nguyên liệu chất lượng cao; cơ chế cho đầu tư phát triển công nghiệp chế biến cũng có không ít bất cập. Đây là những khó khăn nội tại cần sớm được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ.

 

Các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để tuyên truyền về những thay đổi về chính sách của thị trường Trung Quốc đến DN, hiệp hội kịp thời và đầy đủ. Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc hỗ trợ từ các bộ ngành, DN bắt buộc phải thích ứng với thay đổi của thị trường và nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên