Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xứng đáng là đầu tàu kinh tế

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, TP gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Đây được coi là trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước.

Với tầm quan trọng chiến lược này ngày 25/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 198/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Một trong 4 quan điểm phát triển Vùng của Quy hoạch tổng thể là phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, là đầu tàu kinh tế, dẫn đầu khu vực miền Bắc và cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhìn lại kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2018, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, kinh tế của vùng tăng trưởng nhanh, quy mô kinh tế luôn giữ tỷ trọng cao trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 3 năm 2016 - 2018 của vùng đạt 9,08%, cao nhất trong số 4 vùng và vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198 cho cả giai đoạn 2016 - 2020 (9%).
Tổng GRDP của vùng đến năm 2018 chiếm tỷ trọng khoảng 31,73% GRDP của cả nước và chiếm 35,52% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (45,42%). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4.164 USD năm 2016 lên 4.813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được hoàn thiện, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao; Đầu tư nước ngoài (FDI) giai đoạn 2016 - 2018 của vùng đứng thứ 2 cả nước (sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 32,1 tỷ USD. Số lượng DN trong vùng tăng trưởng mạnh, từ 146.377 DN năm 2016 lên 204.310 DN năm 2018.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế được Bộ KH&ĐT chỉ ra đó là 7/7 tỉnh, TP của vùng đều định hướng phát triển công nghiệp điện tử, phần cứng nhưng chỉ có Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh đã thu hút được các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, LG, Microsoft, Canon,... và cũng mới chỉ dừng lại ở gia công, lắp ráp phần cứng.
Công nghiệp phần mềm và nội dung số chỉ mới tập trung tại một số TP nhưng năng lực cạnh tranh còn thấp, quy mô nhỏ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) một số địa phương trong vùng vẫn chỉ ở mức trung bình thấp của cả nước. Mặc dù số DN đăng ký mới vẫn đứng thứ 2 cả nước nhưng xét về quy mô vốn thì các DN trong vùng chủ yếu là DNNVV…
Hôm nay 25/6, tại Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây sẽ là sự kiện mới nhất trong chuỗi các hoạt động khẳng định sự quan tâm của Chính phủ, với các vùng kinh tế - xã hội và các vấn đề mang tính chất liên vùng.
Tại Hội nghị lần này, Chính phủ sẽ thảo luận, đánh giá về hàng loạt vấn đề lớn như tình hình kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh TP trong vùng, thực trạng và giải pháp chiến lược phát triển thu hút đầu tư theo hướng bền vững trong vùng; các vấn đề về môi trường đầu tư, kinh doanh và hạ tầng đô thị, giao thông, phát triển logistics, nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển dịch vụ du lịch…
Theo các chuyên gia, để tiếp tục đưa Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển cần có các giải pháp dài hơi với các cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi cho vùng bứt phá hơn nữa.
Bên cạnh đó, các bộ ngành như: Bộ GTVT, Tài Chính, KH&ĐT, Công Thương… cần chung tay với với chính quyền 7 tỉnh, TP tháo gỡ các cơ chế chính sách thu hút các DN lớn và khuyến khích họ phát triển KHCN theo hướng sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu và bảo vệ môi sinh, môi trường đóng góp vào phát triển kinh tế vùng bền vững.