Đại sứ Việt Nam Trần Đức Mậu - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài |
- Tôi bị bất ngờ bởi mọi biểu hiện trước đó ở cả hai phía và diễn biến chiều tối ngày 27/2 đều cho thấy không có trở ngại gì cho tuyên bố chung của hai bên. Nhưng rồi sau khi xem phía Mỹ và phía Triều Tiên họp báo thì tôi lại thấy rất thú vị, và phải hiểu khác với thông lệ về việc hai bên không ký kết tuyên bố chung và không họp báo chung.Và theo Đại sứ, những khoảng cách nào khiến hai bên không đạt được một thỏa thuận chung?
Theo cách hiểu thông thường xưa nay trong thế giới ngoại giao và quan hệ quốc tế, một sự kiện như cuộc thượng đỉnh vừa rồi giữa Mỹ và Triều Tiên kết thúc mà không có tuyên bố chung và họp báo chung như kỳ vọng thường bị nhìn nhận là không thành công. Tôi lại nghĩ khác.
Để đánh giá sự kiện có thành công hay không không nên chỉ nhìn vào hình thức mà nên lưu ý nhiều hơn đến thực chất. Mà nhìn vào thực chất lại có thể thấy Mỹ và Triều Tiên ở Hà Nội đã cùng nhau tiến bước xa, thực chất và cơ bản hơn so với lần gặp cấp cao ở Singapore năm ngoái. Mỗi người sử dụng tiêu chí và giác độ khác nhau khi đánh giá sự kiện có thành công hay không.
Tôi nhìn vào diễn biến của tiến trình hòa bình và hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như những kết quả của cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội thể hiện trong thông tin của hai phía từ cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khách sạn JW Marriott và của phái đoàn Triều Tiên ở khách sạn Melia.
Từ đó, tôi nhận thấy rằng phía Mỹ và Triều Tiên coi trọng việc đàm phán với nhau, thoả thuận những gì có thể nhất trí được với nhau cũng như xác định ra những gì hiện chưa thể nhất trí còn quan trọng và quyết định hơn việc ký kết một bản tuyên bố chung chỉ để phô cho thế giới bên ngoài thấy là hai bên nhất trí với nhau.
Nội dung họp báo của ông Trump và của phái đoàn Triều Tiên chỉ khác nhau ở mỗi một điểm là Triều Tiên cho biết không đòi hỏi Mỹ dỡ bỏ tất cả mà chỉ một phần các biện pháp cấm vận và trừng phạt Triều Tiên. Trong khi ông Trump nói rằng không chấp nhận yêu cầu của Triều Tiên là Mỹ dỡ bỏ tất cả các biện pháp cấm vận và trừng phạt Triều Tiên. Ông Trump cho biết hai bên dừng hội đàm vì bất đồng quan điểm về vấn đề cấm vận và trừng phạt. Cho nên có thể thấy Mỹ và Triều Tiên lần này chưa đạt được thỏa thuận vì còn bất đồng quan điểm về mức độ chứ không còn về nguyên tắc có nhượng bộ lẫn nhau hay không.
Bên này muốn bên kia đi xa hơn nữa trong nhận thức là chính mình cũng phải tiến lại gần hơn quan điểm của bên kia. Một khi đã xác định được bản chất của khoảng cách thì việc khắc phục khoảng cách ấy sẽ là vấn đề thời gian, kiên trì thiện chí và đặc biệt của sự tin cậy lẫn nhau. Hiện tại, hai bên chưa thật sự tin cậy lẫn nhau đủ mức để có thể cùng nhau đi xa hơn nữa.Ông nhìn nhận hai nhà lãnh đạo có những tiến triển gì tại hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội so với lần thứ nhất tại Singapore?- Tôi thấy hội nghị thượng đỉnh này đã đưa lại nhiều kết quả rất quan trọng và tích cực và như tôi đã nói ở trên là vượt xa lần trước ở Singapore. Điều này thể hiện ở những khía cạnh sau đây.
Thứ nhất, những hình ảnh và kết quả ở Hà Nội cho thấy tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn tiếp diễn theo định hướng lâu nay chứ không trì trệ hay bế tắc và càng không phải trở về điểm xuất phát ban đầu ở Singapore. Bầu không khí chung của mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Kim Jong Un thân thiện, cởi mở và hài hoà hơn nhiều so với ở Singapore. Hội nghị này diễn biến không theo kịch bản được dự kiến ban đầu nhưng không phải kịch bản bị đổ vỡ mà cuộc thương thảo chỉ bị tạm ngừng lại để cả hai phía cũng suy ngẫm và chuẩn bị cho những bước tiến mới. Chính ông Trump đã cho biết là hai bên đã đạt được thoả thuận nhất định nhưng đi xa hơn thế nữa thì chưa được. Điều đó cho thấy nếu chỉ vì để có tuyên bố chung thì hai bên đã có thể ký kết và công bố được. Nhưng nếu hai bên muốn nhiều hơn thế nữa thì còn phải trao đổi thêm.
Thứ hai, Mỹ và Triều Tiên đã bắt đầu đi vào thực chất và bắt đầu giải quyết từng vấn đề cụ thể, tức là bắt đầu định lượng hóa và định tính hóa tiến triển của tiến trình này. Điều này có thể được coi là bước chuyển về chất so với kết quả của sự kiện ở Singapore. Kết quả quan trọng ở Hà Nội là bên này hiểu rõ về đòi hỏi của bên kia, tức là phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên phải cụ thể như thế nào theo quan điểm của Mỹ và Mỹ phải nhượng bộ những gì theo quan điểm và lộ trình của phía Triều Tiên.
Thứ ba, hội nghị cấp cao Hà Nội đã giúp Mỹ và Triều Tiên củng cố nhận thức ở cả hai phía phải cùng nhau duy trì và thúc đẩy tiến trình này chứ không có sự lựa chọn nào khác nếu cùng muốn xử lý ổn thỏa và lâu bền mọi chuyện khúc mắc với nhau. Vì thế sau hội nghị, hai bên đều không phê trách hay đổ vấy trách nhiệm cho nhau mà đều đánh giá tích cực kết quả của cuộc gặp, đều khích lệ nhau tiếp tục tiến trình và đều để ngỏ khả năng gặp lại nhau trong thời gian tới. Ông đánh giá khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ gặp lại nhau ra sao?
- Họ sẽ gặp lại nhau. Nếu không ngay trong năm nay thì sẽ trong năm 2020. Phương Tây có câu ngạn ngữ “Save the best for the last” (Dành điều tốt đẹp nhất về cuối). Năm 2020 là năm rất quyết định đối với mong muốn tái cử Tổng thống Mỹ của ông Trump. Tôi không ngạc nhiên gì khi ông Trump sử dụng thành quả đối ngoại để phục vụ cho cuộc vận động tranh cử. Tình thế trong nội bộ càng khó khăn và phức tạp đối với ông Trump thì việc xử lý chuyện quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên càng thêm quyết định và quan trọng đối với ông Trump, giá trị của việc xử lý vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên càng thêm có ý nghĩa đối với triển vọng tái đắc cử tổng thống của ông Trump. Tôi nghĩ phía Triều Tiên cũng có lợi ích trong việc tiếp tục xử lý chuyện quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ với ông Trump.
Theo Đại sứ, liệu có sự tham gia của Hàn Quốc và Trung Quốc vào cuộc gặp tiếp theo?
Hàn Quốc và Trung Quốc luôn đóng vai trò quan trọng. Nhưng rõ ràng quyết định nhất vẫn là Mỹ và Triều Tiên. Hai nước này sẽ để cho các đối tác kia tham gia và có phần trong chừng mực đóng góp chứ không chi phối tiến trình của họ. Hiện tại, Triều Tiên dành ưu tiên cho cách xử lý trực tiếp với Mỹ và ông Trump không mặn mà với việc dùng cơ chế đa phương để xử lý chuyện quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.Ông nhận xét thế nào về vai trò, vị thế của Việt Nam sau hội nghị lần này?
- Thể hiện thay cho rất nhiều người Việt Nam, tôi có thể nói ngắn gọn rằng: Rất tự hào và vui mừng. Tự hào và vui mừng về vị thế và uy tín quốc tế của đất nước. Tự hào và vui mừng về năng lực tổ chức những sự kiện lớn của thế giới. Tự hào và vui mừng về đóng góp của đất nước cho hoà bình và hữu nghị, an ninh và hợp tác trên thế giới.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối, đáp ứng mọi yêu cầu cần thiết về hậu cần, tạo dựng bầu không khí thuận lợi cho Mỹ và Triều Tiên tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đã làm thế giới phải nhìn nhận Việt Nam và Thủ đô Hà Nội bằng con mắt khâm phục và nể trọng, mến mộ và thân thiện. Việt Nam đã làm tốt vai trò nước chủ nhà cho sự kiện lớn của thế giới mà các nước khác trong sứ mệnh tương tự cũng không thể làm tốt hơn được. Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!