12 đơn vị trình diễn di sản văn hoá phi vật thể ở phố đi bộ

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/11, tại Tượng đài Lý Thái Tổ đã diễn ra Liên hoan Trình diễn Di sản văn hoá phi vật thể. Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế, sáng tạo Hà Nội 2022.

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

Phần trình diễn Trống hội Thăng Long.
Phần trình diễn Trống hội Thăng Long.

Trong hàng ngàn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê trên địa bàn thành phố Hà Nội, có nhiều di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian được các cộng đồng dân cư gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ, tạo nên những giá trị đặc sắc.

Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội năm 2022, trên sân khấu dưới chân tượng đài đức vua Lý Thái Tổ đã giới thiệu với khán giả Thủ đô các di sản văn hóa phi vật thể quý báu đó.

Bộ sưu tập “Hà Nội Phố” của Câu lạc bộ Đình làng Việt.
Bộ sưu tập “Hà Nội Phố” của Câu lạc bộ Đình làng Việt.

Liên hoan có sự tham gia của 12 đơn vị gồm: CLB trống hội Thăng Long; CLB ca nhạc truyền thống UNESCO Hà Nội; CLB nghệ thuật truyền thống Thanh Xuân; CLB Tuồng xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh; CLB Ca trù Lỗ Khê, huyện Đông Anh; CLB hát chèo xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên; CLB Xẩm Tâm Việt; CLB Xẩm Bắc Hà; CLB Xẩm 48h; CLB Xẩm Thăng Long; CLB Xẩm dân ca ví, giặm xứ nghệ tại Hà Nội; Trung tâm Hỗ trợ Áo dài ngũ thân truyền thống- CLB Đình làng Việt.

Mở đầu Liên hoan, CLB trống hội Thăng Long trọng đã giới thiệu đến người xem phần trình diễn Trống hội Thăng Long của Câu lạc bộ Trống hội Thăng Long do NNƯT Nguyễn Thị Minh Tâm và CLB Trống hội Thăng Long biểu diễn.

Hình ảnh trong vở tuồng "Ngọn lửa hồng sơn" của CLB tuồng xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh.
Hình ảnh trong vở tuồng "Ngọn lửa hồng sơn" của CLB tuồng xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh.

Theo đại diện CLB Trống hội Thăng Long: Trống là nhạc cụ quan trọng trong bộ gõ, có lịch sử xuất hiện lâu đời nhất và phổ biến nhất trên thế giới. Hàng ngàn năm nay, thiết kế của trống về cơ bản hầu như không thay đổi. Trong lịch sử, trống luôn được sử dụng trong các lễ hội của nhiều dân tộc trên thế giới, và ở Việt Nam xa xưa, dùng trống để khích lệ quân lính trước khi ra trận cũng như huấn luyện binh. Lịch sử nước ta ghi nhận rất nhiều cứ liệu khảo cổ học đặc sắc trên các trống đồng Đông Sơn, từ thời Hai Bà Trưng dựng nước, trống đã được sử dụng như một dụng cụ truyền tin, thúc giục đoàn binh ra trận, cổ vũ tinh thần chiến đấu của các binh sĩ. Trong thời đại hòa bình, trống là nhạc cụ được sử dụng thành dàn nhạc riêng mở màn cho các chương trình nghệ thuật.

Đông đảo khán giả theo dõi Liên hoan Trình diễn Di sản văn hoá phi vật thể.
Đông đảo khán giả theo dõi Liên hoan Trình diễn Di sản văn hoá phi vật thể.

Tại Liên hoan, các đơn vị còn giới thiệu đến công chúng nhiều tiết mục đặc sắc như: Bộ sưu tập “Hà Nội Phố” của Câu lạc bộ Đình làng Việt; tiếng đàn nhị của bé Bảo Chi, tiếng trống, tiếng sênh của bé Bảo Giang, Thùy Dương và tiếng hát của các bé Minh Nhi cùng các bé thuộc CLB ca nhạc truyền thống UNESCO Hà Nội trong tiết mục “Công cha nghĩa mẹ”; NNƯT Nguyễn Thị Thảo qua biểu diễn làn điệu ca trù “Thét nhạc” cùng tiếng đàn đáy của NNƯT Nguyễn Văn Tuyến và nghệ nhân trống chầu Hoàng Đức Thành; tiết mục hát chèo “Hương sen dâng Bác” do NNƯT Lưu Thị Nhuệ Phái và các thành viên CLB chèo xã Tri Trung trình diễn.

Khép lại Liên hoan, CLB Xẩm 48h đem đến một làn gió mới tràn đầy sức trẻ, tinh thần sáng tạo qua tiết mục “Tre Việt Nam” với thông điệp: Tre xanh trường tồn với thời gian, tre già để măng mọc, để tiếp nối những giá trị tốt đẹp của tre, cũng giống như những giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát triển trong thời đại hiện nay.