Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

17/36 nhà máy sản xuất đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện cả nước còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, mức cao kỷ lục từ trước đến nay của ngành. Trong khi đó 17/36 nhà máy sản xuất đường thua lỗ.

 Lượng đường tồn kho của cả nước đang đạt mức kỷ lục
Dự báo năm 2019, nhu cầu tiêu thụ đường của cả nước đạt khảng 1,5-1,6 triệu tấn/năm, trong khi sản xuất chỉ đạt 1,2 triệu tấn/năm, cung không đủ cầu là lý do khiến buôn lậu đường tăng mạnh. Đặc biệt, từ tháng 8 trở đi các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, như An Giang, Đồng Tháp vào mùa nước lên, là điều kiện tốt để buôn lậu đường tăng mạnh.
Theo ước tính của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), mỗi năm có khoảng 500.000 tấn đường được buôn lậu vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành mía đường trong nước và tác động lên mặt bằng giá. Giá đường ở phía Bắc, Nam Trung Bộ bị ảnh hưởng nhiều nhất do năng suất thấp hơn phía Nam. Từ những khó khăn trên, hiện có 17/36 nhà máy sản xuất đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.
VSSA dẫn ra 3 nguyên nhân khiến tồn kho đường tăng: Một là do khối lượng đường ngoại nhập tăng; hai là, đường được cho là tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất mà để lại tiêu thụ ở thị trường trong nước; ba là, lượng đường nhập lậu ngày càng tăng cao.
Năm 2017, số lượng nhà máy đường trên cả nước đã giảm từ 46 xuống còn 42, và theo số liệu cập nhật mới nhất trong năm 2019, số lượng nhà máy đường trên cả nước là 36 nhà máy. Hiện, có nhiều nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng nên rất khó dự đoán chính xác còn bao nhiêu nhà máy sẽ trụ lại được trong niên vụ 2019 - 2020.
Theo VSSA, hai năm qua nhiều nhà máy đường gặp khó khăn về tài chính. Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) vẫn chưa áp dụng ở Việt Nam, nhiều nhà máy đường cũng chưa dám công bố giá mua mía với nông dân vì muốn chờ chính sách từ các cơ quan quản lý. Điều này khiến người trồng mía không còn mặn mà với cây mía, nếu không có giải pháp tháo gỡ sẽ có nhiều nhà máy đường đã thua lỗ nặng có nguy cơ đóng cửa.
Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ mía 2018 - 2019, và sẽ còn kéo dài đến những vụ mía tiếp theo trong khi kể từ 1/1/2020 ATIGA sẽ có hiệu lực.