Từ đầu tháng 6 đến nay, rất nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phúc Thọ đồng loạt ra quân phát động thực hiện phong trào “3 sạch”, thu hút đông đảo người dân tham gia. Tại xã Liên Hiệp, hàng trăm người dân ở các cụm dân cư đã cùng chung tay tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật… Ông Nguyễn Quang Bình – Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp cho biết, những năm gần đây, các ngành nghề kinh tế phát triển nhưng ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao. Đặc biệt, xã Liên Hiệp lại có nghề chế biến tinh bột sắn, cơ khí, mạ kẽm và nghề mộc nên tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. “Việc phát động phong trào “3 sạch” có ý nghĩa hết sức quan trọng để vận động người dân có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường” – ông Bình chia sẻ.
Tại Phúc Thọ, 5 năm qua, phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM của huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, huyện đã có 20 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu hai xã còn lại là Thượng Cốc và Xuân Phú về đích trong năm 2017, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện NTM. Diện mạo nông thôn trên địa bàn thay đổi từng ngày, kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế đã và đang đặt ra nhiều vấn đề thách thức như ô nhiễm môi trường chậm được xử lý, nhất là ô nhiễm trong khu dân cư, nước thải, chất thải tại các làng nghề, khu chăn nuôi. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn huyện còn thấp (hiện đạt 45%), công tác đảm bảo VSATTP còn hạn chế, sản xuất nông nghiệp vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách…
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết, đứng trước tình hình đó, huyện đã phát động phong trào “3 sạch”, thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2020 để hướng tới mục tiêu xây dựng NTM bền vững hơn. Theo đó, lãnh đạo huyện Phúc Thọ kêu gọi mỗi xóm, cụm dân cùng chung tay trồng thêm cây xanh, vườn hoa, cải tạo ao hồ làm nơi vui chơi, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Đối với sản xuất nông nghiệp, tuân thủ quy định trồng trọt, chăn nuôi, nói không với chất cấm, chất tạo nạc và kích thích tăng trưởng. “Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là phải hành động ngay để cải thiện chất lượng cuộc sống. Chỉ khi nào nguồn nước sạch được bảo vệ, sử dụng một cách hợp lý, môi trường sống xanh sạch đẹp, thực phẩm phong phú và an toàn thì sức khỏe, tinh thần của người dân mới thực sự được đảm bảo” – ông Doãn Trung Tuấn nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo huyện Phúc Thọ, đây là việc làm không mới nhưng cần phải được thực hiện thường xuyên, bền bỉ nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân và xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hội nhập. Huyện Phúc Thọ đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% hộ dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch, phấn đấu mỗi năm huyện đầu tư xây dựng được 1 khu giết mổ tập trung, 2 điểm giết mổ nhỏ lẻ xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, mỗi năm huyện phấn đấu có thêm 50ha rau sản xuất theo quy trình an toàn và mỗi xã, thị trấn thực hiện cải tạo ít nhất 1 ao, hồ, trồng 1 vườn hoa trên địa bàn.