40 triệu lượt người vùng khó khăn được hỗ trợ giảm nghèo

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số 57 tỉnh thực hiện chính sách, có 34 tỉnh thực hiện bằng hình thức cấp tiền mặt, 5 tỉnh thực hiện bằng hình thức cấp hiện vật và 18 tỉnh áp dụng đồng thời hai hình thức nêu trên. Thông qua chính sách, đã có trên 40 triệu lượt người được hưởng lợi, đạt khoảng 90% kế hoạch.

 Chăn nuôi bò sữa tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì
Ngày 4/5, Ủy ban Dân tộc có Báo cáo số 62/BC-UBDT đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2010 - 2017.
Theo kết quả báo cáo của 57 tỉnh được thụ hưởng chính sách, tổng kinh phí T.Ư đã bố trí thực hiện trong 8 năm (từ năm 2010 đến hết năm 2017) là 4.089,85 tỷ đồng. Trong số 57 tỉnh thực hiện chính sách, có 34 tỉnh thực hiện bằng hình thức cấp tiền mặt, 5 tỉnh thực hiện bằng hình thức cấp hiện vật và 18 tỉnh áp dụng đồng thời hai hình thức nêu trên. Thông qua chính sách, đã có trên 40 triệu lượt người được hưởng lợi, đạt khoảng 90% kế hoạch.
Đánh giá của Ủy ban Dân tộc cho thấy, qua 8 năm thực hiện chính sách nêu trên, đời sống của hàng chục triệu hộ nghèo vùng khó khăn đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ thực hiện trong thời gian dài nhưng định mức không được điều chỉnh. Cụ thể là còn quá thấp, chưa đủ mạnh để thúc đẩy phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo ở vùng khó khăn. Kết quả thực hiện chính sách cơ bản chưa đạt mục tiêu đề ra.

Qua tổng hợp đề xuất, kiến nghị của 57 tỉnh cho thấy: Phần lớn các địa phương thống nhất đề nghị Chính phủ hủy bỏ, hoặc tích hợp Quyết định số 102 cho phù hợp với thực tế nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại từng địa phương.