Báo cáo kết quả triển khai Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội” tổng hợp từ các sở, ngành, địa phương gửi UBND TP mới đây cho thấy, trong số 1.652 cửa hàng được thống kê, có 597 cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây; 1.145 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp (trong đó có trái cây). Toàn TP có 785 DN đang tham gia kinh doanh trái cây, còn lại là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Thực hiện đề án trên, thời gian qua, các sở, ngành của Hà Nội đã thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với 1.402/1.652 cửa hàng, đạt tỷ lệ gần 85% tổng số cơ sở kinh doanh trái cây. Con số này trước khi thực hiện đề án vào tháng 6/2020 chỉ đạt khoảng 70%.
Cũng theo kết quả rà soát, đánh giá về điều kiện kinh doanh trái cây, trong tổng số 1.652 cửa hàng, có 1.045 cơ sở có trang thiết bị bảo quản trái cây; 816 cửa hàng có thiết bị giám sát chất lượng trái cây; 1.222 cơ sở có quầy, kệ trưng bày trái cây; 1.066 cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển trái cây và 1.115 cơ sở có thiết bị vệ sinh.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025”, mới đây, UBND TP đã có văn bản đề nghị các sở, ngành, 30 quận, huyện, thị xã rà soát, tập trung nguồn lục thực hiện các nhiệm vụ đã được TP giao tại Kế hoạch số 326/KH-UBND ngày 30/12/2021.
Thời gian tới, UBND TP yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát liên ngành, chuyên ngành việc thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các cửa hàng trái cây. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo đảm an toàn mặt hàng trái cây cung ứng cho người dân Thủ đô.