Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An Giang: Quyết tâm thu hút vốn đầu tư

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong những năm qua, tỉnh An Giang đã trở thành một trong những tỉnh hàng đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút vôn đầu tư. Năm 2022, An Giang đã đạt được những con số ấn tượng về phát triển kinh tế xã hội.

Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách

Năm 2022, toàn tỉnh An Giang đã tiếp nhận 69 dự án đầu tư đăng ký mới. Trong đó đã phê duyệt 11 dự án với tổng vốn đầu tư 1.660 tỷ đồng, bao gồm: 02 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 391 tỷ đồng; 08 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 1.269 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 01 dự án với tổng vốn 14.096 tỷ đồng.

Tỉnh An Giang quyết tâm thu hút vốn đầu tư năm 2023 tăng 10% so với năm 2022. Ảnh Hữu Tuấn
Tỉnh An Giang quyết tâm thu hút vốn đầu tư năm 2023 tăng 10% so với năm 2022. Ảnh Hữu Tuấn

Đáng chú ý về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 02 dự án đầu tư mới (tăng 100% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký 22,7 triệu USD (tăng 61% so với cùng kỳ). Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 40 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là 304 triệu USD, tổng vốn thực hiện là 176 triệu USD (chiếm 57,89% tổng vốn đầu tư đăng ký)

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định mục tiêu tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt từ 164,6 đến 176 nghìn tỉ đồng, bình quân tăng 7,6%/năm. Trên cơ sở đó, Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023 phấn đấu đạt các mục tiêu như: Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách tăng trên 10% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh, bổ sung trên địa bàn tỉnh quy đổi đạt khoảng 700 triệu USD (bao gồm cả dự án FDI và dự án đầu tư trong nước).

An Giang quyết tâm thu hút 10 dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên. Ảnh Hữu Tuấn
An Giang quyết tâm thu hút 10 dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên. Ảnh Hữu Tuấn

Thu hút ít nhất 10 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, bao gồm: hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở; nông nghiệp; công nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch; văn hóa – xã hội – môi trường, tổng vốn đầu tư đạt trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, mỗi lĩnh vực có ít nhất 01 dự án quy mô lớn có tính động lực, tạo sự lan tỏa cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Trong đó, tập trung thu hút đầu tư vào 06 lĩnh vực chính như: Hạ tầng giao thông; Cơ sở hạ tầng – khu đô thị, khu nhà ở; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Công nghiệp và hạ tầng khu, cụm công nghiệp; Thương mại - Dịch vụ - Du lịch; Văn hóa – Xã hội – Môi trường.

Đặc biệt, tận dụng vị trí trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và TP Phnompenh (Campuchia) và là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, của các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia và các nước thành viên ASEAN, trên cơ sở Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, góp phần đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Thu hút các dự án có chất lượng

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Năm 2023, tỉnh mời gọi các dự án đầu tư, chọn lọc các dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và giải quyết nhiều lao động tại địa phương.

Du lịch một trong những điểm sáng thu hút vốn đầu tư của tỉnh An Giang. Ảnh Hữu Tuấn
Du lịch một trong những điểm sáng thu hút vốn đầu tư của tỉnh An Giang. Ảnh Hữu Tuấn

Cụ thể, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối thông tuyến Long Xuyên - Chợ Mới – Phú Tân – Châu Phú; phát triển dịch vụ vận tải, kho bãi chuyên nghiệp, các dịch vụ trọn gói phục vụ giao thông vận tải đường bộ, đường thủy, ông Thư nhấn mạnh.

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động phát triển hạ tầng đô thị, cung cấp chỗ ở, mở rộng không gian đô thị các nhánh dọc trục lộ giao thông tuyến Long Xuyên – Cần Thơ và Long Xuyên – Châu Thành.

Bên cạnh đó, tập trung thu hút các dự án phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ; phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản (OCOP) theo hướng hữu cơ gắn với phát triển du lịch bền vững. Khuyến khích các dự án liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với vùng nguyên liệu tập trung

Đặc biệt, chú trọng triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, số hóa các dữ liệu, phát triển các nền tảng số, thúc đẩy sàn thương mại nông nghiệp điện tử. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng theo hướng nông nghiệp thông minh; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng công nghệ thông tin gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ số, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, điện tử,…); các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh An Giang cũng tập trung thu hút dự án phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại; tổ hợp khu vui chơi, giải trí chất lượng cao. Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển thương mại điện tử gắn với tiêu thụ nông sản. Đồng thời kêu gọi đầu tư vào các ngành: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, phát triển hạ tầng các khu du lịch, điểm du lịch; dự án phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý nhà nước về du lịch, cung cấp thông tin và trải nghiệm phục vụ khách du lịch.

Thu hút các dự án giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng lao động; các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.