Người anh trai đã cầm dao ra tay sát hại cả gia đình em trai ruột. Đây cũng chỉ là một trong những vụ "án mạng anh em" do tranh giành đất đai.
Những vụ án mạng đau lòng
Trong vụ án xảy ra vào ngày đầu tháng 9 này, người nông dân cục mịch như Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã xuống tay với những người ruột thịt của mình, khiến ai cũng phải rùng mình, ớn lạnh vì giới hạn tột cùng của cái ác.
Dù nguyên nhân dẫn đến hành vi của đối tượng đang được cơ quan chức năng làm rõ nhưng qua những tình tiết vụ án có thể thấy, do mâu thuẫn, tranh chấp một diện tích rất nhỏ đất đai với gia đình em trai khiến đối tượng cảm thấy mình bị thiệt thòi dẫn đến mất kiểm soát hành vi.
Đây chỉ là một trong những vụ việc đau lòng do mâu thuẫn, tranh chấp đất đai giữa anh em xảy ra tại Hà Nội. Trước đó, do tranh chấp mua bán đất của tổ tiên để lại, nên giữa Nguyễn Văn Soi (SN 1944, trú tại huyện Thanh Oai) và các anh chị em trong gia đình mâu thuẫn với nhau.
Đỉnh điểm mâu thuẫn khi bố con ông Nguyễn Văn Hùng cùng một số người trong gia đình đập bức tường bao quanh khu đất tranh chấp liền kề nhà Nguyễn Văn Soi. Ông Soi đã làm đơn tố cáo nên 2 bố con ông Hùng bị cơ quan điều tra Công an huyện Thanh Oai khởi tố về tội hủy hoại tài sản. Một buổi trưa, khi Nguyễn Văn Soi đang ngồi trong nhà, ngoài cửa ông Nguyễn Văn Hùng chửi bới dẫn đến thách thức nhau. Soi đã lấy dao nhọn đâm thẳng vào ngực phải của em trai khiến ông Hùng tử vong sau đó.
Những vụ việc đau lòng tương tự cũng từng xảy ra ở nhiều nơi, như tại TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Cần Thơ… Tại TP Hồ Chí Minh, do tranh giành căn nhà cha mẹ để lại, em trai Phùng Huệ Nhơn (SN 1983) đã đuổi chém 2 anh trai là Phùng Huệ Minh (SN 1976), Phùng Vệ Nghĩa (SN 1978), cùng trú tại căn nhà mặt tiền đường Lê Thị Bạch Cát (phường 13, quận 11). Cả 2 anh Nghĩa và Minh nhanh chóng được đưa đi cấp cứu nhưng anh Minh đã tử vong tại bệnh viện.
Tại xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bình Phước cũng từng xảy ra vụ án hai anh em ruột Trương Văn Hùng (SN 1967) và Trương Văn Phúc (SN 1969) dùng dao chém nhau vì mâu thuẫn đất đai. Cả hai được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng, mất nhiều máu, Trương Văn Phúc đã tử vong. Còn Trương Văn Hùng may mắn hơn được điều trị qua cơn nguy kịch.
Tương tự, một vụ án mạng đau lòng khác cũng xảy ra tại Cần Thơ khi anh trai đâm chết em trai vì mảnh đất bố mẹ chuyển nhượng. Cụ thể, Nguyễn Văn Thơ và Nguyễn Văn Thái là anh em ruột, cha mẹ chuyển nhượng cho Thơ 2.500m2 đất ruộng, với giá 150 triệu đồng nhưng Thái nhất quyết phản đối, vì cho rằng giá chuyển nhượng cho anh trai thấp. Hai anh em mâu thuẫn xảy ra đánh nhau. Trong lúc ẩu đả, Thơ lấy dao đâm em ruột bị thương nặng và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.
Bi kịch của các gia đình
Hậu quả của những vụ thảm án, nhất là giữa những người anh em ruột thịt thường vô cùng thảm khốc, đau lòng. Nỗi đau không chỉ đối với gia đình, người thân mà với cả xóm làng, dòng họ. Ngay bản thân các đối tượng sau khi gây án cũng phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc của pháp luật và lương tâm.
Tội lỗi mà các đối tượng gây ra gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đó là cái giá phải trả cho những hành vi mất nhân tính nhưng đó cũng là bi kịch đau lòng của các gia đình.
Nhận định về các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp đất đai giữa anh em, người thân trong gia đình, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết (Hà Nội) cho hay, nếu cá nhân cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, có thể viết đơn khởi kiện gửi tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, có những đối tượng như Nguyễn Văn Đông đã không lựa chọn cách giải quyết theo quy định pháp luật mà lại sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vụ án cho thấy, mối quan hệ giữa đối tượng và nạn nhân dù là anh em ruột thịt nhưng tiềm ẩn, tích tụ những mâu thuẫn lâu ngày và không được giải quyết kịp thời, triệt để, hợp tình, hợp lý.
“Để giảm thiểu những vụ án thảm sát “nội bộ gia đình” đau lòng như thế, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân.
Đồng thời, chính quyền địa phương phải sâu sát trong việc nắm được tâm tư, nguyện vọng, can thiệp, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp. Nếu được như vậy, mới có thể giảm thiểu được những hành vi bạo lực, tấn công, sát hại, xâm phạm tính mạng người khác, những vụ thảm án đau lòng sẽ không xảy ra, những hành vi ứng xử văn hóa được nhân rộng và an ninh trật tự xã hội được đảm bảo” - luật sư Nguyễn Thị Hải Yến nêu quan điểm.