Đây là một quy định cần thiết và phù hợp trong thời điểm hiện nay, nhưng cũng đặt ra yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối sự an toàn, bảo mật về dữ liệu thông tin cá nhân.
Theo quy định tại Luật Căn cước mới, cơ sở dữ liệu căn cước bao gồm thông tin về nhân thân, nhân dạng, sinh trắc học và nghề nghiệp của công dân. Trong đó, thông tin sinh trắc học gồm: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN và giọng nói. Đối với ADN và giọng nói, cơ quan quản lý căn cước chỉ thu nhận khi người dân tự nguyện cung cấp.
Trong khi đó, mống mắt là thông tin người dân sẽ phải bắt buộc cung cấp khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, giống như vân tay và ảnh khuôn mặt từ trước tới nay. Việc thu nhận mống mắt được thực hiện bởi cơ quan công an, bằng các thiết bị chuyên dụng.
Đây hiện là một dữ liệu đã được nhiều quốc gia áp dụng để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website… Ngay trong các ứng dụng điện tử hiện nay, nhận diện khuôn mặt, trong đó có yếu tố mống mắt cũng là một phương thức được sử dụng thường xuyên, với nhiều tiện lợi và chính xác. Bởi thế, như nhiều ý kiến đã nhận định, việc làm này là cần thiết trong thời điểm hiện tại.
Như chính thông tin từ các cơ quan quản lý cũng cho thấy, khi có thêm những thông tin về dữ liệu sinh trắc này sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, truy nguyên, nhận dạng, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phòng, chống tội phạm và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Trước đó, như khẳng định của ngành công an, quá trình thu thập định danh của người dân thực hiện theo một quy trình khép kín, trên các thiết bị đã được các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an kiểm tra. Việc chuyển dữ liệu định danh thực hiện qua đường truyền riêng biệt… Thẻ căn cước cũng được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao. Một người muốn sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử, phải được sự đồng ý của chủ thẻ qua xác thực vân tay, khuôn mặt… Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế theo yêu cầu an toàn thông tin cấp độ 4, với hệ thống giám sát, bảo vệ nhiều tầng nấc.
Có thể nói, những khẳng định của ngành công an đã cho thấy sự chuẩn bị chu đáo để cơ sở dữ liệu "được kiểm soát an ninh mạng, bảo vệ ở mức cao nhất và hạn chế thấp nhất sự cố ngoài ý muốn". Đồng thời với đó, những quy định chặt chẽ trong khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ cho quản lý cũng được đưa ra để tránh đi tình trạng lạm dụng và làm rò rỉ thông tin.
Nhưng cùng với sự kỹ lưỡng từ các cơ quan chức năng, vẫn cần phải có giải pháp để lường trước các tình huống có thể xảy ra khi vấn đề an ninh mạng ngày càng phức tạp. Cùng với đó, việc tăng cường tuyên truyền, để nâng cao nhận thức cho chính người dân trong bảo mật thông tin cá nhân của mình cũng rất quan trọng và cần được quan tâm hơn nữa. Bởi thực tế, đã không ít trường hợp bị lừa, bị mất thông tin cá nhân đến từ chính sự bất cẩn của người dân.
Trước một quy định mới, chắc chắn sẽ có những băn khoăn, nhưng sự thận trọng và chu đáo từ nhiều phía với giải pháp sát thực, sẽ giúp người dân có thể yên tâm để đón nhận và thực hiện.