Những năm 1980, ngã 4 Trần Huỳnh – Trần Phú, phường 7 Thị xã Bạc Liêu có một căn chòi vá sửa xe đạp, gắn bó với nhiều thế hệ học sinh đến tận sau những năm 2000. Tiệm đó là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Văn Oanh, một cựu chiến binh thời đánh Mỹ.
Những năm 1960, Mỹ đánh phá Miền Bắc ác liệt, chàng trai Nguyễn Văn Oanh rời quê hương Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vào đon vị 559 mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường Miền Nam. Năm 1973, trong một lần cùng bệnh viện dã chiến vận chuyển thương binh về tuyến sau, trận bom B52 đã vùi lấp ông Oanh và 3 đồng đội khác. Thoát chết, nhưng chiếc xe cứu thương đè lên người quá lâu đã khiến ông bị nội thương, sức khỏe ông suy sụp. Buộc phải chuyển đi nhiều đơn vị khác ở tuyến sau, đến hòa bình lập lại, được phân công về quê làm cán bộ thủy lợi.
Năm 1983, vợ ông làm nghề giáo cùng quê, nhận lệnh vào Nam tăng cường giáo viên cho trường Cấp II Trần Huỳnh, Phường 7 Bạc Liêu. Theo vợ con, ông lại xin chuyển ngành lần nữa vào làm chân văn phòng cùng trường với vợ. Vậy là tiệm vá sửa xe đạp ra đời từ đó.
Thời bao cấp, đồng lương giáo viên còm cõi không thể nuôi sống 5 đứa con, huống chi đến chuyện cho chúng ăn học đàng hoàng. Nhưng vợ chồng ông quyết không để chúng hư hỏng, mà phải dạy dỗ theo kiểu lính, kết hợp với mô phạm nhà giáo của vợ ông.
Sau giờ ở văn phòng, ông ra chòi vá xe, các con ông sau giờ học phải chạy ra phụ giúp, đứa phụ vá, đứa bán hàng rong. Đây cũng là lúc ông kể cho chúng nghe về đời lính mất mát hy sinh để giành độc lập. Thời bom đạn, ông vẫn cố học thành y sỹ, thời bình chúng phải tận dụng cơ hội đó để thành tài, đừng như ông khi sức khỏe kém chỉ đủ sức vá xe. Còn vợ ông, truyền thống nghề giáo viên 4 đời của gia đình với câu nói gia truyền: “Nghề giáo sẽ khiến con người thiện lành hơn.” Bởi vậy chúng đều quyết tâm theo nghề giáo với tinh thần kỷ luật người lính mà ông đã rèn khi chúng phụ vá xe.
Ấy vậy mà tiệm bơm vá sửa xe đắt khách, cuộc sống đỡ cơ cực hơn, giúp các con ông thi đỗ vào các trường sư phạm, trường đại học. Đến tận những năm 2.000, khi chúng đã ổn định việc học hành, sức ông càng yếu, tiệm sửa xe đó mới dẹp nghỉ.
Tự hào về các con
Đến thăm căn nhà khang trang của vợ chồng ông Oanh ở khóm 10, phường 1, Bạc Liêu, ông bà cho biết đã ở Bạc Liêu đúng 40 năm. Vợ ông, bà Đặng Thị Phụng 74 tuổi (nguyên giáo viên trường Tiểu học Trần Huỳnh) nói: “Từ lúc còn trẻ đến các thế hệ sau đều trưởng thành trên đất Bạc Liêu. Bởi vậy, tâm nguyện ông bà luôn dạy các con cháu rằng Bạc Liêu là quê hương thứ hai của mình, nên phải sống, cống hiến cho đất Bạc Liêu. Hiểu ý, các con, cháu của ông bà đã không làm trái ý.”
Chỉ tay cho phóng viên xem trong nhà treo la liệt các phần thưởng của con và cháu. “Đã có 3 đứa cháu tốt nghiệp đại học. Riêng các con ông đều đã thành tài, nhiều đứa có học vị cao, đạt nhiều giải thưởng của tỉnh Bạc Liêu” – ông Oanh tự hào kể.
Mới đây, đầu tháng 4 năm 2023, con gái là giáo viên tiểu học ông nhận Bằng khen giải khuyến tài giáo viên cấp thành phố năm 2021 – 2023. Nhiều người mới hay, gia đình này còn có nhiều nhân tài hơn thế. Con cả ông Oanh là anh Nguyễn Văn Chương, giáo viên cấp I TP Bạc Liêu, đã nhận Bằng khen giải thưởng sáng tạo khoa học cấp tỉnh từ năm 2017 - 2021. Con kế, anh Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Thịnh. Người thứ ba là anh Tiến sĩ Y sinh, Thạc sỹ Giáo dục học Nguyễn Văn Thuyết, giáo viên Trường PTTH Bạc Liêu, nhận giấy khen sáng tạo khoa học cấp tỉnh 2019- 2021. Con gái là Thạc sỹ Tài chính –Kế toán Nguyễn Thị Thu. Đứa con gái út Nguyễn Thị Thanh Xuân hiện đang công tác tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Chưa kể đứa con dâu cũng là thạc sỹ.
Anh Nguyễn Văn Thuyết kể, hồi đó phụ cha sửa xe, được cha dạy rằng dù nghèo khổ thế nào cũng phải học. Đói cơm chứ không thể đói chữ. “Cha nói hòa bình quý giá lắm, đói không chết nên phải học để xây dựng quê hương. Chiến tranh dù no cũng có thể chết nhưng quê hương còn bị tàn phá. Nên hòa bình là phải học, mới nên người có ích” – anh Thuyết nói thêm.
Gia đình chú Oanh là một gia đình có truyền thống hiếu học, các con đều thành tài và đóng góp rất lớn vào ngành giáo dục hiện nay của Bạc Liêu. Đó là một tấm gương lớn để dạy con hiện nay, nhất là khi thế hệ trẻ đang chịu nhiều tác động tiêu cực của mạng xã hội” - cô Tâm, một đồng nghiệp của anh Nguyễn Văn Chương nói.