Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc

Bài 2: Trách nhiệm với đất nước

Nhật Nguyên - Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam luôn thể hiện sự ảnh hưởng tích cực và trách nhiệm xã hội với đất nước, với dân tộc, đặc biệt là xây dựng khối đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song thời gian qua, tăng ni, phật tử trong Giáo hội đã nỗ lực, cố gắng vượt bậc và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sống tốt đời, đẹp đạo

Cuối tháng 9 vừa qua, tại hội trường Nhà văn hóa cụm 5, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, hơn 100 hội viên phụ nữ, người cao tuổi đã được nghe Đại đức Thích Thái Minh - Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Đan Phượng thuyết giảng về ý nghĩa của tang văn minh, đưa người quá cố đi hỏa táng. Trước năm 2012, việc thực hiện tang lễ tại xã Hạ Mỗ còn có nhiều hủ tục lạc hậu như trong gia đình khi có người qua đời phải xem giờ mới được nhập quan, tổ chức làm cỗ mời khách, ăn uống linh đình; trên đường đưa tang rải vàng mã làm mất cảnh quan và vệ sinh môi trường... Đặc biệt, việc thực hiện hỏa táng rất ít, chỉ tập trung vào người qua đời mắc bệnh hiểm nghèo.

Đại đức Thích Thái Minh - Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Đan Phượng (thứ 4 từ phải qua) thăm, tặng quà người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ sau bão số 3 tại xã Hồng Hà, Đan Phượng. Ảnh: Nhật Nguyên
Đại đức Thích Thái Minh - Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Đan Phượng (thứ 4 từ phải qua) thăm, tặng quà người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ sau bão số 3 tại xã Hồng Hà, Đan Phượng. Ảnh: Nhật Nguyên

Kể từ khi cuộc vận động thực hiện tang văn minh tiến bộ do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội và huyện Đan Phượng phát động, năm 2012, xã Hạ Mỗ được chọn làm điểm mô hình. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trong đám tang ở Hạ Mỗ không còn tình trạng làm cỗ mời khách ăn uống linh đình. Một số hủ tục lạc hậu như rải vàng mã tiền âm phủ, tiền VNĐ trên đường đưa tang đã giảm, tỷ lệ hỏa táng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2023 toàn xã có 15/41 ca người mất thực hiện hỏa táng, đạt tỷ lệ 36,58%. 9 tháng đầu năm 2024 có 15/29 ca thực hiện hỏa táng, đạt 51,72%. “Có được kết quả này ngoài sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã còn có đóng góp tích cực của Ban Trị sự Phật giáo huyện Đan phượng, các nhà chùa trong việc tuyên truyền, vận động người dân” – lãnh đạo xã Hạ Mỗ cho biết.

Không riêng gì huyện Đan Phượng, những năm qua, GHPG Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo các địa phương đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chư tăng, phật tử và Nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh không chỉ ở cơ sở tôn giáo mà còn trong đời sống sinh hoạt thường ngày, trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Với tinh thần "từ bi, trí tuệ" và phương châm "sống tốt đời, đẹp đạo", GHPG Việt Nam phát huy vai trò, sứ mệnh quan trọng trong đấu tranh với cái xấu, điều ác, phát huy các giá trị cao đẹp, nỗ lực làm việc tốt, điều thiện.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Điện – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Hướng dẫn phật tử T.Ư GHPG Việt Nam, hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, văn hóa, xã hội, sự du nhập của nhiều nền văn hóa trên thế giới, giới trẻ, thanh thiếu niên của Việt Nam cũng chịu sự tác động, ảnh hưởng lớn. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực giúp thế hệ trẻ tiếp cận nhanh với tri thức nhân loại, khoa học công nghệ hiện đại, thế hệ trẻ hiện nay còn chịu sự tác động từ những thói hư, tật xấu, đua đòi, rời xa những giá trị đạo đức truyền thống, coi nhẹ việc học tập…

Trước những vấn đề đó, GHPG Việt Nam đã tổ chức nhiều lớp học, khóa tu mùa Hè, đưa những giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc, hướng giới trẻ đến với những chuẩn mực, giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Đây chính là sự khẳng định về vai trò của GHPG Việt Nam góp phần xây dựng văn hóa, đạo đức, lối sống con người Việt Nam, hướng đến những việc làm có ích cho xã hội, cho đất nước.

Phát huy tinh thần hộ quốc an dân

Phật giáo Việt Nam có quá trình du nhập, phát triển hơn 2.000 năm, gắn bó cùng dân tộc trải qua những thăng trầm của lịch sử. Với tinh thần nhập thế, Phật giáo Việt Nam sẵn sàng đứng lên tham gia chống giặc ngoại xâm, đóng góp công sức làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập của dân tộc. Trong đó, nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo đã trở thành nơi che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng, nhiều nhà sư đã lên đường ra mặt trận, nhiều người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Như Ni trưởng Thích Đàm Thảo ở Chiến trường Điện Biên Phủ; 27 nhà sư thành lập Trung đội Phật tử ở chùa Cổ Lễ năm 1947; Huyền tích chùa Thắng Phúc (Tiên Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng) có 5 nhà sư là liệt sĩ anh dũng hy sinh hưởng ứng Lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Đặc biệt, trong gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, GHPG
Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung, thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân, GHPG Việt Nam cùng tăng ni, phật tử luôn gắn bó với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội. Các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, TP trong toàn quốc thường xuyên động viên tăng ni, phật tử địa phương hoàn thành tốt các phong trào bảo vệ Tổ quốc, ích nước lợi dân, bảo vệ môi trường, tham gia các tổ chức chính trị - xã hội như ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND, MTTQ các cấp từ T.Ư đến địa phương. Nhiều chức sắc tu hành được người dân tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đã thể hiện được vai trò đặc biệt trong việc vận động quần chúng xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, GHPG
Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động giao lưu quốc tế. Tiêu biểu như Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2008, 2014, 2019 gây được ấn tượng tốt đẹp với bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hòa hợp, đoàn kết. Qua các hoạt động này góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần khẳng định chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự T.Ư GHPG Việt Nam, năm 2024 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027. GHPG Việt Nam đã bám sát chương trình, chủ trương hoạt động của Giáo hội là "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", "kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết, phát triển" và "tốt đời, đẹp đạo", đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, Giáo hội tổ chức Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; ủng hộ xây dựng 500 căn nhà tình nghĩa với trị giá 60 tỷ đồng tặng người khó khăn về nhà ở tỉnh Điện Biên; tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc lần thứ XIX tại Thái Lan...

Chúc mừng lãnh đạo T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam và dự Đại lễ Phật đản với chức sắc, tăng ni, phật tử tại chùa Quán Sứ, Hà Nội nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024 tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, với tinh thần "Hộ quốc an dân", Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. “Với những giá trị nhân văn sâu sắc, cao cả, Phật giáo có ảnh hưởng tích cực đến quan niệm, tư tưởng, đạo đức, lối sống của dân tộc; góp thêm nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc, làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa của dân tộc ta, của nền văn minh, văn hiến Việt Nam” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

 

Tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam chiếm 27% dân số, họ vừa là công dân vừa là tín đồ; họ có tinh thần yêu nước, cần cù sáng tạo và có niềm tin tôn giáo sâu sắc, đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân tộc. Đây là lực lượng cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, lực lượng quần chúng đông đảo, là nguồn nhân lực quan trọng đã và đang có nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng


(Còn nữa)