Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Hình mẫu ưu việt cho các dự án hạ tầng

Bài 3: Cam kết bảo đảm nguồn vốn thực hiện theo tiến độ

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù có khó khăn về thu xếp nguồn vốn nhưng các địa phương đều khẳng định việc rà soát, bố trí vốn cho dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được cân đối.

>>> Bài 1: Thắp sáng giấc mơ 10 năm ấp ủ
>>> Bài 2: Thần tốc giải phóng mặt bằng

Địa phương san sẻ gánh nặng tài chính

Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112,8km, gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Trong đó, đoạn qua Hà Nội 58,2km, qua Hưng Yên 19,3km, qua Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối 9,7km. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng, chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần.

Trong đó, nhóm dự án 1, với 3 dự án thành phần thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn các tỉnh, TP: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên; Nhóm dự án 2 với 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành triển khai trên địa bàn của các tỉnh, TP: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; Nhóm dự án 3 với 1 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Thi công giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng đường Vành đai 4 tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Thanh Hải
Thi công giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng đường Vành đai 4 tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Thanh Hải

Như vậy, Hà Nội thực hiện 3 dự án thành phần gồm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận Hà Nội và đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc theo phương thức PPP. Hưng Yên và Bắc Ninh mỗi tỉnh chịu trách nhiệm 2 dự án thành phần là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận của mỗi tỉnh.

 

Lâu nay chúng ta thấy rằng các đường vành đai theo nghĩa chiến lược quốc gia, sự tham gia của cấp địa phương rất ít. Vì vậy, giao cho địa phương các quyền thì tất cả các lợi ích và khó khăn vừa đề cập tôi thấy đều tập trung xử lý được. Điểm tổng quát ở đây là giao quyền cho địa phương thực thi thực chất là giao trách nhiệm. Bởi làm đường liên quan đến người dân, đến địa bàn, những việc này phải xử lý tại chỗ hằng ngày và liên quan đến những bức xúc của xã hội. Ở điểm này, địa phương phải nỗ lực để xử lý nhanh chóng. Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
PGS.TS Trần Đình Thiên

Trong tổng nguồn vốn hơn 85.800 tỷ đồng, nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách T.Ư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470 tỷ đồng; Hưng Yên 1.000 tỷ đồng; Bắc Ninh 2.000 tỷ đồng); nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách T.Ư; nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 5.710 tỷ đồng; vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.

Với Hà Nội, HĐND TP thống nhất chủ trương dự kiến nguồn vốn triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được bố trí từ ngân sách khoảng 23.524 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 19.477 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 4.047 tỷ đồng. Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của dự án như sau: Năm 2022 khoảng 100 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 8.397 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 5.955 tỷ đồng; năm 2025 khoảng 5.025 tỷ đồng.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị TP Hà Nội khẩn trương bổ sung hồ sơ dự án Nghị quyết của HĐND TP về các nội dung tổng số vốn bố trí, tiến độ giải ngân, phân kỳ theo từng năm và cam kết bố trí tăng thêm trong trường hợp phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, nguồn vốn và khả năng, cân đối bố trí vốn dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô được đưa vào danh mục các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư với nguồn vốn trung hạn tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của TP.

HĐND TP thống nhất chủ trương dự kiến nguồn vốn triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được bố trí từ ngân sách khoảng 23.524 tỷ đồng.
HĐND TP thống nhất chủ trương dự kiến nguồn vốn triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được bố trí từ ngân sách khoảng 23.524 tỷ đồng.

Theo đó, Kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 còn có thể phân bổ là khoảng 10.113 tỷ đồng và dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn là 10.709 tỷ đồng. Như vậy, với mức vốn từ ngân sách TP cần bố trí cho dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 là 19.137 tỷ đồng thì kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 còn có thể phân bổ 20.822 tỷ đồng, đảm bảo cân đối bố trí cho dự án.

Tại quyết định mới ban hành về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023, UBND Hà Nội đã quyết định điều chỉnh tăng 3.840 tỷ đồng cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Trong đó bố trí gần 3.300 tỷ đồng cho công tác bồi thường, tái định cư để giải phóng mặt bằng. “UBND TP cam kết bảo đảm nguồn vốn thực hiện theo tiến độ. Kế hoạch vốn bố trí hằng năm trên cơ sở thủ tục, tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông TP Hà Nội cho biết, để khởi công xây dựng tuyến đường lớn bậc nhất vào cuối tháng 6, TP đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Đến cuối tháng 5, kế hoạch vốn đã bố trí là 5.854,840 tỷ đồng (vốn quỹ đầu tư phát triển là gần 2.565 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2023 là 3.290 tỷ đồng). Trong đó, kế hoạch vốn đã bố trí cho Ban Quản lý dự án là 55 tỷ đồng (kế hoạch vốn năm 2023 là 53,255 tỷ đồng).

Với dự án thành phần 3, dự án xã hội hóa theo mô hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận, với tổng mức đầu tư là 29.410 tỷ đồng, quy mô rất lớn. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, Dự án thành phần 3 được đặt trong tổng thể, chứ không phải có tính chất độc lập tuyệt đối mà được nhận sự hỗ trợ của hai dự án thuộc nhóm 1, 2 thuộc trách nhiệm ngân sách T.Ư và địa phương. Đây chính là mô hình đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, tạo động lực thúc đẩy cho nhà đầu tư PPP.

Loạt cơ chế đặc biệt cho “siêu dự án”

Đánh giá về tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô mới đây, Thường trực Chính phủ thống nhất, Hà Nội cùng với Hưng Yên và Bắc Ninh rất quyết liệt triển khai dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng cả nước đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội thống nhất chủ trương bảo đảm điều hòa nguồn vốn đầu tư công của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn; bảo đảm tập trung giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023 vốn đầu tư công hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Thống nhất việc giao vốn kế hoạch cho 3 dự án quan trọng quốc gia là 78.307,587 tỷ đồng (gồm cả dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô). Trong đó, điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí cho Bộ GTVT là 31.396 tỷ đồng để giao về các địa phương, gồm: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Quốc hội ban hành hàng loạt cơ chế đặc thù về nguồn vốn như Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại, cơ chế lồng ghép giữa ngân sách T.Ư và địa phương, tăng vốn đầu tư công trung hạn từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương...

Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Dương Bá Đức khẳng định, sức ép hoàn thành tuyến cao tốc trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 là rất lớn. Vì vậy, nguồn vốn phải tập trung đầy đủ. Trong Điều 59 Luật Ngân sách số 83/2015/QH13 cũng cho phép tăng thu ngân sách địa phương, ngoài bố trí cải cách tiền lương, an sinh xã hội còn có chi cho đầu tư.

Quốc hội tạo điều kiện cho các địa phương chủ động tăng nguồn ngân sách địa phương. “Thậm chí, hiện nay địa phương có kiến nghị giao tăng phần cân đối địa phương. Đây là điều đáng mừng, các địa phương đều có quyết tâm, ý chí chính trị để tăng nguồn vốn chi cho đầu tư” – ông Dương Bá Đức chia sẻ.

Về một số kiến nghị của TP Hà Nội đối với dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Thường trực Chính phủ thống nhất với kiến nghị của UBND TP Hà Nội về việc tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư.

Về cho phép TP Hà Nội chủ động thực hiện điều hòa, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần 1.1 và 2.1, Thường trực Chính phủ yêu cầu TP Hà Nội thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp phát sinh điều chỉnh về quy hoạch, mục tiêu, phạm vi, quy mô, làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua, UBND TP Hà Nội tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về việc cho phép dự án thành phần 2 và nhà đầu tư đối với dự án theo hình thức PPP và BOT (dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thủ về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội.

Ngày 13/4, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã làm việc với UBND các tỉnh phía Bắc về mỏ vật liệu phục vụ thi công trong bối cảnh hàng loạt dự án giao thông đang chậm tiến độ vì thiếu vật liệu. Cũng có nhiều mối lo rằng Hà Nội thực hiện đầu tư Vành đai 4 theo mô hình đầu tư công kết hợp PPP sẽ gặp khó do việc triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, ngay cả giai đoạn 2 cho thấy khả năng bảo đảm tính khả thi của BOT rất khó khăn. Trên thực tế, rất nhiều dự án PPP - BOT phải chuyển đổi sang đầu tư công đáp ứng với từng thời kỳ khôi phục, phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định, được sự hỗ trợ của Chính phủ, TP sẽ quyết tâm triển khai dự án này theo hình thức PPP.

(Còn nữa)

 

Kế hoạch vốn đã bố trí cho các quận, huyện thực hiện giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn Hà Nội là gần 5.800 tỷ đồng (vốn quỹ đầu tư phát triển là gần 2.565 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2023 là hơn 3.235 tỷ đồng). Tổng giá trị giải ngân là gần 3.972 tỷ đồng (vốn ứng Quỹ Đầu tư phát triển là gần 2.565 tỷ đồng; giải ngân vốn kế hoạch là gần 1.407 tỷ đồng), trong đó Ban Quản lý dự án đã giải ngân 2.394 tỷ đồng; các địa phương giải ngân thực hiện giải phóng mặt bằng là 3.969,24 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68,437%. Bên cạnh đó, TP Hà Nội còn có kế hoạch vốn đã bố trí hàng trăm tỷ đồng cho các dự án thành phần. TP yêu cầu thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện dự án để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của từng dự án thành phần, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.