Người dân không mặn mà gửi tiết kiệm
Tham gia thảo luận tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường nhìn nhận, hiện nay, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng rất thấp khiến người dân không mặn mà gửi tiết kiệm, mà dùng tiền đấy đầu tư, có thể đầu tư vàng, bất động sản… Do đó, cần phải xem lại chính sách về điều hành lãi suất của ngân hàng, cần phải có sự linh hoạt.
“Chúng ta đều biết rằng, ngân hàng cần phải giảm lãi suất cho vay, nhưng có phải giảm đến mức mà lãi suất huy động quá thấp như thế để chúng ta không huy động được vốn vào nền kinh tế hay không? Tôi cho rằng là có lẽ như vậy cũng không phải là tốt” - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Thảo luận tổ, đại biểu Bùi Hoài Sơn nhìn nhận, giá vé máy bay đang tăng quá cao. Giá vé máy bay tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giảm nhu cầu đi lại, giảm lượng khách du lịch, việc làm của người dân trong ngành du lịch… Do đó, cần tìm nguyên nhân chủ quan, khách quan khiến cho giá vé tăng cao, như chưa có sự chia sẻ, hợp tác giữa ngành hàng không và các lĩnh vực khác, máy bay phải bảo trì ở nước ngoài…
Đánh giá đường bay tương đương tại Thái Lan rẻ hơn Việt Nam rất nhiều, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần có gói hỗ trợ cho hàng không, gồm phí dịch vụ sân bay, đầu tư các trung tâm bảo dưỡng máy bay tại Việt Nam, kích cầu du lịch để giảm giá vé máy bay.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, lãi suất cho vay phải xác định ở một mức hợp lý và lãi suất huy động cũng phải trên mức dự báo về lạm phát. Lãi suất huy động phải từ 5-6% mới có thể duy trì được, mà lãi suất huy động 5 - 6% thì lãi suất cho vay phải đến khoảng 8%.
Mức lãi suất này không phải là vấn đề khó với doanh nghiệp, vấn đề là doanh nghiệp có tiếp cận được không, có khả năng hấp thụ được không chứ không phải vấn đề là phải hạ lãi suất của doanh nghiệp; và cũng đừng có đẩy lãi suất lên cao trên 10% như trước đây.
“Nếu chúng ta duy trì được lãi suất cho vay ổn định khoảng 7-8%, các doanh nghiệp có khả năng hấp thụ sẽ sẵn sàng chấp nhận, sẽ đảm bảo cân bằng được điều hành lãi suất và lạm phát” - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng
Nhấn mạnh giá vàng đặc biệt cần phải lưu tâm, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, giá vàng tăng quá bất thường, giá vàng thế giới tăng thì trong nước tăng, nhưng giá vàng trong nước càng ngày càng chênh lệch lớn, tách biệt quá xa so với thị trường thế giới. Khi giá vàng tăng cao, sẽ tác động đến rất nhiều yếu tố, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.
Người dân sẽ không đầu tư lĩnh vực khác, không gửi tiền vào ngân hàng nữa, chuyển sang xếp hàng mua vàng, rõ ràng đây là vấn đề; do vậy Nhà nước cần thiết phải kịp thời xử lý, điều hành. Vấn đề là phải đưa giá vàng trong nước ngang với liên thông thế giới về mặt dài hạn; đồng thời phải sửa đổi Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, vì chính Nghị định này đang sinh ra tác động ngược.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nêu nghịch lý khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đấu thầu, thì ngay sau đó giá vàng lại tăng vọt. Từ kết quả này, đại biểu cho rằng, việc đấu thầu còn là tác nhân đẩy giá vàng lên cao hơn, giải pháp đấu thầu đã không đạt mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong nước.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu là chưa phù hợp, khó có thể kéo giá trong nước đi xuống như mục tiêu. Để việc đầu thấu đạt mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để lấy giá vàng thế giới, cộng với các loại thuế, chi phí cho ra giá tham chiếu.
Đề cập đến câu chuyện giá vàng, đại biểu Phạm Đức Ấn nhất trí với đại biểu Hoàng Văn Cường về việc Nghị định 24/NĐ-CP đã hết giá trị lịch sử.
Theo đại biểu, giá vàng rất quan trọng bởi khi giá vàng biến động sẽ ảnh hưởng nhiều đến bài toán về tỷ giá. Nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được, và có thể nguy cơ “vàng hóa” nền kinh tế như trước đây. Do đó, cần có đánh giá nhiều khía cạnh, có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng để giảm thiểu ảnh hưởng đến tỷ giá.