Tham dự buổi lễ có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc; Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Đại tướng Lương Cường – Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Giải Báo chí Quốc gia ngày càng có sức hút
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khẳng định: Giải Báo chí quốc gia Lần thứ XIV – năm 2019 đã thu hút hơn 1600 tác phẩm dự Giải từ khắp nơi trên cả nước. Qua 14 năm thực hiện, đây là giải có số tác phẩm và đơn vị tham dự ở mức cao, cho thấy hiệu quả và sức thu hút của Giải đối với họat động báo chí. Công tác thu nhận tác phẩm, tổ chức chấm sơ khảo, chung khảo đã được tiến hành nghiêm túc theo Điều lệ Giải, khách quan, công tâm và chuyên nghiệp, trong điều kiện giãn cách xã hội, chống Covid-19. Hội đồng chung khảo đã chấm 140 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng sơ khảo và quyết định trao 9 giải A, 21 giải B, 41 giải C và 32 giải khuyến khích, theo 11 loại giải.
Trong số các tác phẩm đạt Giải Báo chí Quốc gia năm 2019, Hội Nhà báo TP Hà Nội có 1 giải C (tác phẩm "“Xử lý và ngăn ngừa “điểm nóng”: Bài học về phát huy dân chủ" của nhóm tác giả Lê Thị Hương, Triệu Thị Hoa, Đinh Tuấn Anh, Nguyễn Quang Thái, Nguyễn Tuấn Phong – Báo Hà Nội Mới); 1 giải Khuyến khích (tác phẩm “Chuyện của ông Dật “gàn” của nhóm tác giả Phúc Thành, Thanh Tùng – Đài PT-TH Hà Nội).
Lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy lòng yêu nước
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, báo chí cách mạng nước nhà đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng, quan trọng vào sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng cũng ghi nhận, các cơ quan báo chí đã có những đóng góp quan trọng, to lớn, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn dân, sự đoàn kết nhân ái trong xã hội trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Thủ tướng chia sẻ với các nhà báo, cơ quan báo chí trước những khó khăn do đại dịch gây ra như nguồn thu của không ít tờ báo bị sụt giảm, bị ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người làm báo. Đồng thời khẳng định: Chính phủ luôn đồng hành cùng báo chí, tạo điều kiện để báo chí vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trước những thách thức của giai đoạn hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh: Báo chí cách mạng phải lấy sứ mệnh cách mạng là sứ mệnh của mình. Báo chí cần giữ vững tinh thần cách mạng, giữ vững niềm tin của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực để mọi người dân khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc cùng thực hiện mục tiêu khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
Báo chí nước nhà cùng cách mạng truyền thống cần chủ động đi đầu trong chuyển đổi số, sử dụng công nghệ số để thay đổi cách làm báo, mô hình kinh doanh mới, tập trung hơn vào những nội dung và ấn phẩm khoa học, phân tích chuyên sâu. Đồng thời, báo chí đóng vai trò lớn hơn là dẫn dắt, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Về vấn đề quy hoạch báo chí, Thủ tướng cho rằng cần xem xét cơ chế tài chính phù hợp để đảm bảo mỗi nhà báo, mỗi tờ báo ổn định thu nhập, an tâm thực hiện tốt sứ mệnh, tôn chỉ, mục đích của mình.
“Đảng Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện cho nhà báo và báo chí cách mạng để phát triển, và cũng luôn coi trọng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân thông qua báo chí. Đó là nguồn thông tin quan trọng phục vụ cho công tác điều hành, chỉ đạo phát triển đất nước” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải A cho các tác giả. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ghi nhận chất lượng của Giải báo chí năm nay, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chúc mừng các nhà báo có tác phẩm đạt Giải Báo chí Quốc gia; đồng thời bày tỏ trân trọng sự đóng góp của các nhà báo cho lĩnh vực thông tin.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng, các tác phẩm dự giải và đạt giải còn thiếu những bài phân tích đưa ra những kiến giải, gợi ý trong hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế quản lý nhằm tạo bước phát triển đột phá. Kể cả những tác giả, tác phẩm đạt giải cao nhưng vẫn thấy thiếu vắng những tên tuổi lớn trong làng báo như Hoàng Tùng, Thép Mới, Hữu Thọ, Phan Quang, Hà Đăng… của các thế hệ trước. Vì thế, theo Thủ tướng, qua từng mùa giải cần rút kinh nghiệm và bài học cho những lần sau về chủ đề, thể loại theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước theo từng giai đoạn của đất nước.