Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo chí truyền thông góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/11/2018, tại Bảo tàng Hà Nội, Tạp chí Cộng sản và thành phố Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo: Vai trò của truyền thông đối với thành phố Hà Nội trong bối cảnh xã hội thông tin.

TS. Nguyễn Đức Chung, ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì Hội thảo.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn chủ trì hội thảo

Hội thảo nhằm hệ thống hóa một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của truyền thông với tư cách là một nguồn lực, động lực của phát triển, về kinh nghiệm của quốc tế tận dụng nguồn lực này trong bối cảnh xã hội thông tin và sự xuất hiện của nhiều công nghệ, xu hướng, phương tiện truyền thông mới; đánh giá thực trạng vai trò của truyền thông đối với sự phát triển của thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, Hội thảo đi sâu làm rõ một số vấn đề mới đặt ra, về cả lý luận và thực tiễn truyền thông, tại Hà Nội, với vai trò là Thủ đô của cả nước, là tâm hội tụ tập trung nhất về thông tin, cũng là nơi lan tỏa thông tin mạnh, có sức ảnh hưởng lớn nhất tới cả nước, như việc nhìn nhận và tận dụng sức mạnh của truyền thông trong kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ sự phát triển; chủ động xử lý với những “điểm nóng”, khủng hoảng thông tin, phản ứng chính sách của người dân, từ đó điều hòa, bình ổn tâm lý, tâm trạng của công chúng; gia tăng sự tương tác, chủ động, công khai thông tin và sự thấu cảm giữa chính quyền và người dân trong mô hình chính quyền đô thị, chính quyền phục vụ của Hà Nội…

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, nói đến xã hội thông tin, chúng ta thường hình dung đó là một kiểu xã hội có các lĩnh vực hoạt động dựa trên những công nghệ thông tin và truyền thông.

Có một thực tế dễ kiểm chứng đó là sự phát triển của CNTT và truyền thông trong hơn nửa thế kỷ qua tác động mạnh mẽ, rộng khắp, tích cực đến tất cả các lĩnh vực trên toàn thế giới. CNTT xóa nhòa đi khoảng cách về thời gian, không gian và làm cho thế giới trở nên phẳng hơn, dường như không có sự xa cách về địa lý. 

Thực tế chứng minh rằng, truyền thông luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, là nhu cầu không thể thiếu của mỗi cá nhân cũng như tập thể, đặc biệt trong bối cảnh thông tin xã hội hiện nay. Trong đó, báo chí với các chức năng quan trọng là giáo dục tư tưởng, tuyên tuyền, cổ động, quản lý gián tiếp và giám sát xã hội… thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng đưa thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, chân thực, trách nhiệm, nhân văn – là cơ sở để hình thành và thể hiện dư luận xã hội.

Theo Chủ tịch, xã hội càng hiện đại, truyền thông đại chúng càng phát triển mạnh mẽ, càng thể hiện vai trò quan trọng bởi truyền thông góp phần lan tỏa thông tin, truyền tải thông điệp, kết nối cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của xã hội trên mọi lĩnh vực…

Tuy nhiên bên cạnh những tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế xã hội, sự thịnh vượng, tiến bộ chung của nhân loại sự phát triển mạnh mẽ, bùng nổ của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông mới cũng đưa đến những mặt trái, hậu quả khó lường trên khắp thế giới. Đặc biệt khi báo chí bị các thế lực khai thác sử dụng cho mục đích phản tiến bộ, nhân văn thì nguy hại khôn lường.

 Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch cho rằng, từ trước đến nay chúng ta luôn muốn xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, tự do dân chủ và thượng tôn pháp luật. Trong bối cảnh xã hội thông tin ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn thủ đô Hà Nội nói riêng cũng có nhiều biến đổi với nhiều mặt tích cực, tiến bộ, bắt kịp thời đại nhưng cũng không ít hạn chế tiêu cực cần khắc phục giải quyết, kể cả với các phương tiện truyền thông truyền thống cũng như các phương tiện truyền thông mới, nhất là mạng xã hội…

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng vai trò của truyền thông đối với sự phát triển của xã hội luôn có ý nghĩa quan trọng, quyết định, song hành với tiến trình thăng trầm của lịch sử loài người. Thực tiễn luôn không ngừng thay đổi, vai trò của truyền thông cũng liên tục có những biến đổi sao cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển nhất định trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long- Hà Nội nói riêng Việt Nam nói chung, vai trò của truyền thông là không thể thiếu, rất đáng ghi nhận.

Chủ tịch cho biết, hội thảo được tổ chức tập trung vào các nhóm vấn đề sau: Làm rõ cơ sở lý luận thực tiễn của vai trò truyền thông đặc biệt là báo chí đối với thành phố Hà Nội trong bối cảnh xã hội thông tin; làm rõ vai trò của truyền thông trong quá trình phát triển của cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng trong những năm qua và giai đoạn hiện nay.

Nhận diện đánh giá đúng và rõ thực trạng, đề xuất nội dung, phương thức giải pháp truyền thông trong bối cảnh xã hội thông tin, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh xã hội thông tin… Tham khảo những bài học thực tế kinh nghiệm thiết thực về vai trò của truyền thông đối với sự phát triển của một số Thủ đô trên thế giới trong bối cảnh xã hội thông tin hiện nay… 

Tuyên truyền về Thủ đô với nhiều hình thức đa dạng, phong phú

Phát biểu tại hội thảo, Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho biết, công tác thông tin tuyên truyền về Thủ đô Hà Nội không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự to lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đài TNVN. Bởi lẽ, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, là nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc, Hà Nội còn vang lên kiêu hãnh trong lời xướng hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam, từ ngày 7/9/1945 đến nay “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa”.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Đài TNVN đã sử dụng đồng bộ cả bốn loại hình truyền thông hiện có gồm: Báo nói, Báo hình, Báo Điện tử và Báo in phục vụ tuyên truyền về Thủ đô Hà Nội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, các chủ trương, chính sách của Hà Nội… đã được đưa kịp thời, chính xác trong các bản tin, chương trình Thời sự, Theo dòng thời sự, Tiêu điểm trên Kênh VOV1; Các bản tin, chương trình Thời sự VTC1, trang “Chính trị” của Báo Điện tử VOV …

Các chuyên đề, chuyên mục, tọa đàm, các loạt bài của phóng viên Đài TNVN trên cả phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử đã có những phân tích, bình luận sâu việc đưa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hà Nội sớm đi vào cuộc sống; chỉ ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa khả thi hoặc chưa phù hợp với thực tế để các cơ quan có trách nhiệm xem xét, điều chỉnh.

Các chủ trương, chính sách của Hà Nội khi triển khai vào thực tiễn được các đơn vị khối nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam phản ánh trong các chương trình Kinh tế, Cải cách hành chính, Diễn đàn các vấn đề xã hội, Pháp luật, Xã hội, Góc nhìn cuộc sống, Đường dây nóng, Nóng dư luận...

Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có 1 kênh phát thanh chuyên biệt (VOV Giao thông) phản ánh tình hình mọi mặt, nhất là trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô; quảng bá mạnh về hình ảnh Thủ đô tới bạn bè trong nước và quốc tế; quảng bá những thành tựu xây dựng và phát triển đô thị của Hà Nội: an toàn, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững; Tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài; Những nỗ lực của Hà Nội trong việc gìn giữ, khôi phục và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống quý báu của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

 Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại hội thảo

Cùng với việc tuyên truyền những thành tựu về phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội, khẳng định và lan tỏa những nỗi lực, thành tựu, nhân tố mới, điển hình tiên tiến của Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, yếu kém trong quá trình xây dựng và phát triển Hà Nội từ các vấn đề vĩ mô thực hiện cơ chế, chính sách cho đến những công việc cụ thể trong quá trình thực thi công vụ ở các cấp chính quyền cơ sở.

Trước các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, Đài TNVN cân nhắc kỹ liều lượng, mức độ, thời điểm đưa thông tin, đề nghị cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành địa phương… của Hà Nội chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tìm hướng xử lý phù hợp, không tạo điểm nóng, không để dư luận hiểu sai hay đẩy thành khủng hoảng truyền thông.

“Đài Tiếng Nói Việt Nam đã góp phần đáng kể trong công tác truyền thông đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế sự hiểu đúng, hiểu sâu về Hà Nội, về bề dày lịch sử, truyền thống ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội; Về mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; Trái tim tin yêu của cả nước”, ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết.

Nói về đạo đức nghề nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhận định: “Làm báo phải có đạo đức, báo chí không thể thắng mạng xã hội bằng tốc độ đưa tin, nhưng thắng bằng sự tin cậy của thông tin”. 

 Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại hội nghị

Theo Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Vi Quang Đạo, trong quá trình phát triển như hiện nay, nếu truyền thông không tốt thì sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn. 

Hiện, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có chuyên trang về Hà Nội bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó cập nhật đầy đủ, kịp thời, phản ánh thực tiễn sinh động, là dữ liệu điện tử lớn về Hà Nội. Qua thông tin đăng tải, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ thu thập thông tin phản hồi để có những đánh giá về dư luận xã hội đối với các hoạt động của Thủ đô. Có thể nói, đây là một trong những kênh truyền thông hữu hiệu để tuyên truyền về Thủ đô Hà Nội với quốc tế và trong nước. 

Để thông tin được chính thống, kịp thời, ông Vi Quang Đạo cho rằng phải phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan truyền thông và chính quyền, nhân dân. Trong đó, cần tạo kênh tương tác kịp thời, hữu hiệu giữa cơ quan nhà nước với nhân dân. 

Đại tá Đỗ Phú Thọ - Phó tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân đánh giá, Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội cung cấp thông tin rất kịp thời, qua đó báo chí có nguồn khai thác thông tin. Tuy nhiên, Đại tá Đỗ Phú Thọ cũng thẳng thắn những điểm hạn chế trong xử lý khủng hoảng truyền thông của Hà Nội; một số cổng thông tin điện tử của quận 6 tháng liền chưa có thông tin mới. 

Vì thế, ông Đỗ Phú Thọ mong muốn các cổng thông tin này cần phải thường xuyên cập nhật thông tin hơn nữa, bám sát cơ sở, từ đó phát hiện vấn đề từ cơ sở. Đồng thời cho rằng nên thành lập một câu lạc bộ báo chí về Hà Nội, nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất trong đội ngũ phóng viên.

PGS.TS, Nguyễn Toàn Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Cơn bão truyền thông gây ra bội thực thông tin. Trong xã hội thông tin ngày nay, con người dễ bị tổn thương về tâm hồn và danh dự nhất. Vì thế, làm truyền thông phải có văn hóa, đạo đức. 

Truyền thông là giao tiếp xã hội nên cần làm một cách chuyên nghiệp. Làm sao để mạng xã hội phải đồng hành cùng với truyền thông nhà nước, phản ứng nhanh với những thông tin không đúng. Hà Nội nên cân nhắc tỷ lệ phù hợp về những thông tin mặt tốt và mặt tồn tại, giúp định hướng dư luận, chê khôn ngoan và khéo léo là kỹ năng cần thiết trong làm truyền thông thời đại này. 

Nhấn mạnh yếu tố văn hóa trong truyền thông, PGS.TS, Nguyễn Toàn Thắng cho rằng phải có cách giao tiếp và ứng xử với truyền thông, nhất là các lãnh đạo cơ sở. 

Cần phải xây dựng quy trình ứng xử với truyền thông

ThS. Phan Văn Kiền (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu ra trong hoàn cảnh xã hội thông tin khiến mọi người có thể đưa thông tin lên mạng xã hội, đòi hỏi chúng ta phải có định hướng tuyên truyền cho phù hợp. 

 ThS. Phan Văn Kiền (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Ông Phan Văn Kiền thẳng thắn nhìn nhận ứng xử với báo chí; nhận thức về vai trò của truyền thông với hoạt động chính trị hoặc hoạt động chính sách của Hà Nội chưa thực sự tốt. Bên cạnh đó, cách nhìn nhận về phương tiện truyền thông chưa cập nhật, chưa đồng bộ, vẫn đang coi báo chí chính thống là nhất. 

“Cần quan niệm rằng trong, trong xã hội thông tin, ai nắm được nhiều thông tin người đó thắng. Kiểm soát thông tin tốt nhất trong xã hội này chính là kiểm soát chính mình” – ThS Phan Văn Kiền nhấn mạnh.

Nêu tình trạng nhận thức của đội ngũ cán bộ cơ sở còn rất hạn chế về vai trò của truyền thông, ông Phan Văn Kiền cho rằng, cần phải có bộ phận và những người làm truyền thông chuyên nghiệp. Cần phải coi truyền thông là việc cần giải quyết ngay chứ không chỉ là việc sẽ phải làm. 

Đối với cán bộ của TP, cần phải xây dựng quy trình ứng xử với truyền thông. Khi có khủng hoảng truyền thông thì cần phải có quy trình xử lý ngay, giống như ngành y tế có quy trình xử lý khi xảy ra sốc phản vệ.

Cần phải đối mặt trực tiếp với truyền thông, nếu trốn tránh thì thông tin sẽ càng phát tán không theo định hướng và mất kiểm soát về thông tin. Vì vậy chúng ta phải đối diện khi có tình huống xảy ra, càng có khủng hoảng thì càng phải vận dụng vai trò của truyền thông chính thống. 

Cần phải xem báo chí là kênh thông tin quan trọng, nhưng không phải là kênh duy nhất. Trong xã hội thì thông tin có thể lan bất kỳ đâu, ai kiểm soát được, nắm được thông tin thì sẽ có công cụ đắc lực, sẽ thành công. Vì vậy cần phải nắm bắt được nhiều kênh chứ không riêng gì báo chí. 

Mỗi cán bộ phải trở thành một cán bộ dân vận

Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ghi nhận và đánh giá cao hơn 60 bài tham luận và 13 ý kiến đã tham gia đóng góp tại hội thảo, giúp Hà Nội có cái nhìn đa chiều về vai trò của truyền thông. Trên cơ sở đó có thể đề ra những biện pháp, giải pháp để phát huy hiệu quả vai trò của truyền thông, đóng góp cho sự phát triển chung của TP. 

 Toàn cảnh hội thảo

Hiện TP đã ban hành quy chế phát ngôn nhưng chưa có quy trình xử lý thông tin. Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu sâu sắc hơn nữa các bài tham luận của các học giả, TP sẽ sớm xây dựng quy trình, quy chế, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn toàn bộ cán bộ trong bộ máy hành chính các cấp. 

“Mỗi cán bộ phải trở thành một cán bộ dân vận, một cán bộ thông tin tuyên truyền, nhằm xây dựng một hệ thống thông tin để tuyên truyền tốt hơn đến nhân dân và bạn bè quốc tế” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh. 

Đúc rút từ những bài học trong quá trình xử lý khủng hoảng truyền thông của Hà Nội từ trước đến nay, Chủ tịch UBND TP cho rằng không thể ngăn cấm thông tin mà phải nhanh, trung thực, xây dựng lòng tin của nhân dân. TP sẽ xây dựng chương trình để phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan, đơn vị truyền thông để đưa hiệu quả công tác tuyên truyền ngày một tốt hơn. 

Kết luận hội thảo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, các tham luận và ý kiến sẽ được Ban Tổ chức tiếp thu một cách nghiêm túc để từ đó đưa ra những chiến lược, lộ trình phù hợp cho công tác truyền thông về Thủ đô Hà Nội.