Bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững nét độc đáo Lễ hội đền Sái

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi–Một số đối tượng lợi dụng sự cả tin của người dân, tự ý tập trung tổ chức một số hoạt động mê tín như xem bói, tướng số để thu tiền tại lễ hội đền Sái, xã Thụy Lâm, Đông Anh (Hà Nội) đã bị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mạnh tay xử lý.

Đền Sái thuộc địa bàn xã Thụy Lâm, là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia của huyện Đông Anh. Nơi đây có lễ hội độc đáo, với nghi lễ “Rước Vua giả” bằng người thật và nghi lễ chém tinh gà trắng vô cùng thú vị, chính hội diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm.

Chính hội đền Sái diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm.
Chính hội đền Sái diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm.

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Đặng Giang Sơn, Lễ hội đền Sái xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi huyện đang chuẩn bị được công nhận thành quận. Vì vậy, việc tổ chức các lễ hội xuân Giáp Thìn trên địa bàn huyện nói chung và lễ hội đền Sái nói riêng đã có nhiều đổi mới.

Cụ thể, từ cuối tháng 12/2023, UBND huyện đã ban hành quyết định thành lập Ban tổ chức Lễ hội đền Sái gồm 22 thành viên trực tiếp tham gia chỉ đạo, điều hành tổ chức lễ hội, với các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về di tích, lễ hội đền Sái thông qua chương trình Tuần du lịch văn hóa “Hành trình di sản từ đền Sái về Cổ Loa” diễn ra từ ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày 11 tháng Giêng.

“Trong 11 ngày diễn ra các hoạt động nghi lễ khu di tích đền Sái thu hút khoảng 40.000 – 70.000 lượt khách mỗi ngày. Riêng trong ngày chính hội 11 tháng Giêng thu hút khoảng 120.000 lượt khách đến tham dự” - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Đặng Giang Sơn cho hay.

Rước Vua giả bằng người thật là nghi lễ "có một không hai" trong các lễ hội ở Việt Nam.
Rước Vua giả bằng người thật là nghi lễ "có một không hai" trong các lễ hội ở Việt Nam.

Quan sát thực tế của phóng viên trong những ngày diễn ra lễ hội, tại khu vực Đền Sái không bố trí các bàn công đức tại khu vực tế, lễ, bố trí cây cảnh, hoa trang trí trong và ngoài khuôn viên di tích, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã bố trí khu vực trông giữ xe thực hiện “lễ hội không ô tô, xe máy”.

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh, tại lễ hội việc tổ chức bán hàng cho Nhân dân cũng được thực hiện khoa học, phù hợp. Các hộ kinh doanh dịch vụ tại lễ hội phải làm thủ tục đăng ký hoạt động dịch; 100% hộ kinh doanh đều thực hiện việc bán hàng trong khu vực do Ban tổ chức bố trí, không có hộ kinh doanh, bán hàng rong trong và ngoài khu vực đền Sái nơi tổ chức lễ hội.

Các cơ sở kinh doanh bán hàng phải cam kết bán hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không gây cản trở giao thông và không gian tổ chức hội, niêm yết giá công khai mặt hàng kinh doanh...

Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng có phương án đảm bảo an ninh trật tự, phân công các lực lượng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm; bài trừ tệ nạn xã hội, hoạt động mê tín dị đoan; giao thông không ùn tắc và xảy ra tai nạn...

Trong ngày chính hội người dân và du khách thập phương đến dâng hương lên đến hàng trăm nghìn người.
Trong ngày chính hội người dân và du khách thập phương đến dâng hương lên đến hàng trăm nghìn người.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm Nguyễn Văn Thu, trong những ngày chính hội, số lượng người dân và du khách thập phương đến thăm quan, dâng hương rất đông lên đến hàng trăm nghìn người mỗi ngày.

Trong khi đó lực lượng an ninh mỏng không kiểm soát hết được tất cả khu vực trong khuôn viên tổ chức lễ hội, nên có một số đối tượng đã lợi dụng tình hình tự ý tập trung tổ chức hoạt động mang tính mê tín như giải thẻ xem bói, xem tướng số... để thu tiền của những người dân và du khách cả tin, tạo ra hình ảnh phản cảm, gây ảnh hưởng đến hoạt động tín ngưỡng lễ hội của Nhân dân địa phương.

“Đáng chú ý, một số đối tượng mặc dù không phải là thành viên trong Ban Tổ chức nhưng  tự ý dùng thẻ không đúng quy cách, thẻ đã không còn giá trị sử dụng để qua mắt lực lượng chức năng xâm nhập vào khuôn viên bên trong đền Sái “hành nghề” tại khu vực sắp lễ, xin thẻ. Sau khi nhận được thông tin phát giác từ quần chúng, huyện đã chỉ đạo Ban Tổ chức lễ hội tập trung xử lý, giải tán toàn bộ cá nhân vi phạm. Chúng tôi đã có cáo báo cụ thể đến lãnh đạo huyện; đồng thời cũng rút kinh nghiệm và tăng cường công tác tuyên truyền cho việc tổ chức lễ hội những lần sau” - Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm Nguyễn Văn Thu nói.

Theo đánh giá của người dân, du khách đến dự lễ hội và dâng hương tại đền Sái năm nay có nhiều điểm mới, nổi bật trong công tác quản lý và tổ chức như: công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo; khu vực bày lễ sắp xếp khoa học, gọn gàng, trang nghiêm; không gian tổ chức lễ hội trang trí hoa, cây xanh, thùng rác thân thiện với môi trường tạo nên điểm nhấn.

Đặc biệt, lễ hội có các điểm checkin cho du khách gắn với quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa, ẩm thực độc đáo; lễ hội không ô tô, xe máy, không phương tiện giao thông ra vào...