Tham gia đoàn công tác có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền...
Huyện Chương Mỹ ứng phó với mưa lũ trên phương châm "4 tại chỗ"
Báo cáo của huyện Chương Mỹ cho thấy, để ứng phó với bão số 3, huyện đã tổ chức trực 24/24h; kịp thời triển khai các phương án bảo đảm đời sống, cứu trợ người dân, triển khai phương án hỗ trợ di dời trong vùng ngập lụt. Huyện cũng đã huy động 5.063 lực lượng xung kích và 357 phương tiện; dự trữ 16.640m3 đất, cát; 100.000 bao tải; hỗ trợ người dân kê kích tài sản, di chuyển người, vật nuôi khu vực không an toàn đến nơi trú tránh.
Theo thống kê, do ảnh hưởng của bão số 3, toàn huyện có 15.880m đê bị ngập, 60m đê bị sạt lở; 26.220m đường giao thông nội đồng bị ngập, 150m đường giao thông bị sạt lở. 14 di tích đình, chùa bị ngập lụt, hư hỏng; 5 trường học, 1 trạm y tế, 8 nhà văn hóa, 34 thôn xóm bị ngập lụt. 2.344 hộ dân với 10.708 nhân khẩu trên địa bàn huyện Chương Mỹ bị ảnh hưởng do mưa lũ. Trong đó, xã Nam Phương Tiến có số hộ bị ảnh hưởng nhiều nhất là 687 hộ dân.
Tại xã Tiên Phương đã xảy ra sạt lở đất với chiều dài khoảng 12-15m, độ cao khoảng 8m. Trên địa bàn huyện cũng xuất hiện mạch đùn, mạch sủi dài khoảng 100m tại đê bao Gò Khoăm, xã Mỹ Lương.
Để ứng phó với bão số 3, huyện đã sơ tán người tại các xã thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt đến nơi an toàn; huy động 4.652 người, 59.100 bao tải, 1.620m2 bạt, 7.856m3 đất đá, 129 phương tiện đắp chống tràn vào khu vực dân cư; tổ chức sơ tán 1.296 hộ với 5.444 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai ứng phó với ngập, lụt theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức cảnh báo nguy hiểm, không để người dân tắm, đánh bắt cá, vớt gỗ… trên sông; tổ chức vệ sinh môi trường; bảo đảm an toàn điện khu vực ngập lụt; triển khai thu gom rác, phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân khu vực nguy cơ ngập lụt; chuẩn bị cấp nước sạch, lương thực thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm… cho người dân khu vực ngập lụt.
Sau khi nghe báo nhanh của TP Hà Nội và huyện Chương Mỹ, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã trực tiếp thị sát tại một số khu vực đê xung yếu và khu vực ngập sâu tại xã Nam Phương Tiến.
Ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền TP Hà Nội trong việc ứng phó với bão số 3 và việc mực nước sông Hồng liên tục tăng cao những ngày vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị TP Hà Nội tiếp tục triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê xung yếu và các đoạn đê có nguy cơ xảy ra đùn sủi, thẩm lậu, sạt trượt; các cống cũ hư hỏng xuống cấp; khẩn trương xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều để bảo đảm an toàn hệ thống đê.
Bộ trưởng cũng đề nghị TP tiếp tục triển khai các biện pháp an toàn cho người dân sống ngoài bãi sông, không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về việc ứng phó với mưa lũ và giúp các hộ dân vượt qua những khó khăn do mưa lũ gây ra.
Bảo vệ các tuyến xung yếu
Cùng ngày, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó với tình trạng nước sông Hồng tăng cao và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại khu vực đê xung yếu xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) và khu vực ngập úng xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ).
Xã Nam Phương Tiến là một trong những điểm chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, với có 3.350m chiều dài kênh mương bị hư hỏng, 18.000m đường giao thông nội đồng bị ngập. Đến 16h ngày 11/9, đã có 875 hộ gia đình bị ngập với 4.057 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Tổng đàn gia súc phải di chuyển là 2.095 con và tổng đàn gia cầm là 102.295 con. Tổng diện tích chuồng trại bị ngập của xã là 17.327m2…
Đập bao Vân Thủy, xã Trung Châu, cũng là một trong những khu vực đê xung yếu của huyện Đan Phượng. Ông Nguyễn Văn Năm, trưởng thôn 5, xã Trung Châu cho biết, việc giữ vững đập bao Vân Thủy với chiều dài gần 2km có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ an toàn cho khu vực đê bối của huyện Đan Phượng. Nếu để xảy ra vỡ đê, sẽ có 659 hộ dân với 2.940 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp.
Sau khi nghe báo cáo nhanh của huyện Chương Mỹ và huyện Đan Phượng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã biểu dương, ghi nhận sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền hai huyện trong việc triển khai công tác ứng phó với bão số 3 và mực nước sông Hồng liên tục lên.
Chỉ đạo việc triển khai công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Chương Mỹ, Đan Phượng khẩn trương thống kê thiệt hại, xây dựng kế hoạch để hỗ trợ kịp thời người khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó cần lưu ý việc khôi phục diện tích rau xanh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng lưu ý việc vận động, hỗ trợ người dân sơ tán đến khu vực an toàn. Trong đó, các huyện cần sơ tán triệt để người dân khỏi khu vực nguy hiểm. Trong thời gian sơ tán, có phương án hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh cho nhân dân.
Thăm hỏi, động viên và chia sẻ những khó khăn với các lực lượng xung kích làm công tác hộ đê, hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn của hai huyện Đan Phượng, Chương Mỹ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các lực lượng tiếp tục tổ chức ứng trực 24/24h theo đúng chỉ đạo của Trung ương, TP Hà Nội, qua đó giữ vững các khu vực đê xung yếu, góp phần bảo đảm an toàn cho người dân trước những tác hại khôn lường do mưa lũ gây ra.