Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động khủng hoảng nước trên toàn cầu

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ước tính trên thế giới hiện có hơn hai tỷ người không có nước sạch để uống và 3,6 tỷ người không được sử dụng hệ thống vệ sinh an toàn – Theo Báo cáo Phát triển Nước Thế giới của Liên Hợp Quốc được công bố vào hôm 21/3.

Trẻ em ở Baidoa, Somalia-nơi đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng. Nguồn: CNN
Trẻ em ở Baidoa, Somalia-nơi đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng. Nguồn: CNN

Một cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng đang diễn ra trên toàn cầu và có nguy cơ mất kiểm soát. Được biết nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do nhu cầu nước ngày càng gia tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết việc sử dụng nước đã tăng khoảng 1% mỗi năm trong vòng 40 năm qua.

Cũng theo báo cáo, đến năm 2050, dân số ở các thành phố phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi từ 930 triệu người vào năm 2016 lên tới 2,4 tỷ người. Nhu cầu nước ở đô thị dự kiến sẽ tăng 80% vào năm 2050.

Richard Connor - tác giả chính của báo cáo - cho biết thế giới nếu không hành động để giải quyết vấn đề khan hiếm nước thì chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng nước trên toàn cầu.

Hậu quả nghiêm trọng

Giờ đây, việc tiếp cận nguồn nước sạch được đặt lên hàng đầu. Khoảng 10% dân số toàn cầu đang sống ở các quốc gia có tình trạng báo động về nước cao hoặc nghiêm trọng.

Theo ông Connor, việc phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp đã vô tình làm  trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn nước, chỉ riêng nông nghiệp đã sử dụng tới 70% nguồn cung cấp nước của thế giới.

Hiện tình trạng khan hiếm nước theo mùa sẽ tăng mạnh ở những khu vực hiện đang có nhiều nước như: Trung Phi, Đông Á và một số khu vực của Nam Mỹ. Trong khi đó, một số nơi vốn đã khan hiếm nước như Trung Đông và khu vực Sahel ở Châu Phi thì ngày càng tồi tệ hơn.

Thuyền đậu tại Hồ Shasta đang bị hạn hán ở Lakehead, California vào ngày 16/10/2022. Nguồn: CNN
Thuyền đậu tại Hồ Shasta đang bị hạn hán ở Lakehead, California vào ngày 16/10/2022. Nguồn: CNN

Những đợt hạn hán gay gắt và kéo dài, xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn do khủng hoảng khí hậu, cũng đang gây áp lực lên các hệ sinh thái, ảnh hưởng nặng nề đến các loài động thực vật - Ông Connor cho biết.

Ông cũng đề cập đến các giải pháp bao gồm hợp tác quốc tế tốt hơn để tránh những xung đột về nước.

Ông cho biết: "Kiểm soát lũ lụt và ô nhiễm, chia sẻ dữ liệu và nỗ lực giảm mức độ ô nhiễm sẽ mở ra cơ hội hợp tác hơn nữa và tăng khả năng tiếp cận các quỹ nước".

Audrey Azoulay, tổng giám đốc UNESCO, cho biết: “Nhu cầu cấp bách là thiết lập các cơ chế quốc tế để ngăn cuộc khủng hoảng nước toàn cầu vượt khỏi tầm kiểm soát”

Ông nhấn mạnh: “Nước là tương lai chung của chúng ta và điều cần thiết là phải cùng nhau hành động để đảm bảo việc chia sẻ nguồn nước một cách công bằng cũng như quản lý nguồn nước bền vững”.