Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bao giờ kiểm soát được khí thải ô tô, xe máy?

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ở mức báo động thì vấn đề kiểm soát khí thải ô tô, xe máy lại tiếp tục được xới lên. Bởi theo nhận định của cơ quan chức năng, nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông có ảnh hưởng lớn tới AQI. Tuy nhiên đến nay, do vẫn còn vướng mắc, chồng chéo trong quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành nên việc cải thiện chất lượng không khí chưa có hiệu quả như mong đợi.

Giảm thiểu phương tiện cá nhân sẽ góp phần giảm ô nhiễm không khí. Ảnh: Phạm Hùng
Có lẽ vì thế mà việc Bộ TN&MT (đơn vị soạn thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi) và Bộ GTVT (đơn vị soạn thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi) đều đưa ra quy định liên quan kiểm soát khí thải các phương tiện giao thông, khiến cho dư luận đặt ra câu hỏi, rằng liệu đang có “tréo ngoe” ngay từ các cơ quan bộ?
Khó phân định đúng - sai
Theo đại diện Bộ TN&MT, các văn bản pháp luật từ trước tới nay đều quy định, Bộ TN&MT được giao chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với các nguồn thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn), kể cả nguồn thải khí thải phương tiện giao thông để kiểm soát, quản lý đồng bộ các nguồn khí thải. Thế nhưng thực tế đang có sự “chồng chéo” trong triển khai.
Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 118, Bộ được giao thẩm quyền xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trong đó có “Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải của các nguồn di động và cố định” nằm trong hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 113. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 và Nghị định số 127/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có quy định phân công trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ TN&MT tại điểm i Khoản 1 Điều 23. Tiếp đó, tại Nghị định số 36/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ TN&MT được giao quản lý về nguồn thải (nước thải, khí thải, CTR).
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, toàn quốc hiện có hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành (Hà Nội 5,7 triệu xe, TP Hồ Chí Minh 8,1 triệu xe), chiếm 95% số lượng xe cơ giới và thải ra 80 - 90% khí CO, HC, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới.
“Đối với phân công trách nhiệm của Bộ GTVT tại điểm d Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 127/2007/NĐ, trong xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không có quy định xây dựng các quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông. Thế nhưng thực tế, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg quy định các lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thực chất là các lộ trình thực hiện các tiêu chuẩn về khí thải theo các mức 1, 2, 3, 4, 5 tương ứng với các tiêu chuẩn khí thải EURO; ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới (QCVN 04:2009/BGTVT)” - đại diện Bộ TN&MT cho biết.
Theo chia sẻ của đại diện Bộ TN&MT, lãnh đạo hai Bộ đã và tiếp tục có những buổi làm việc, nhằm thống nhất lại trách nhiệm của mỗi ngành trong việc bảo vệ môi trường, liên quan đến quản lý khí thải các phương tiện. Song, vị này cũng cho hay, việc quy định Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải (bên cạnh các quy chuẩn khí thải công nghiệp, chăn nuôi, lò đốt...) là phù hợp để bảo đảm phân công một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong công tác kiểm soát các nguồn khí thải và quản lý, cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Tuy nhiên, mới đây, ngày 14/7, đại diện Vụ Môi trường - Bộ GTVT cho biết, cơ quan này đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Nếu được thông qua, Quy chuẩn này dự kiến sẽ được áp dụng trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2025. Trong đó, mức 5a từ 1/1/2022 đối với xe khối lượng chuẩn thấp (đối với phép thử để kiểm tra khối lượng trung bình của khí thải ở đuôi ống xả); mức 5b từ năm 2025; và từ 1/1/2025 đối với phép thử kiểm tra chức năng của hệ thống chuẩn đoán trên xe. Riêng đối với xe có khối lượng chuẩn cao sẽ được áp dụng mức 5a từ 1/1/2022, nhưng phép thử kiểm tra chức năng của hệ thống chuẩn đoán xe được áp dựng từ 1/1/2027.
Trao đổi về ”chồng chéo” nói trên, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, dù không được giao cụ thể về việc ban hành quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông nhưng Bộ GTVT lại được phân xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các loại phương tiện giao thông vận tải; phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công, vận tải chuyên dùng; phương tiện thiết bị thăm dò, khai thác trên biển. Bởi vậy, Bộ GTVT cũng không sai khi ban hành các quyết định trên.
Không thể vừa đá bóng vừa thổi còi
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, khi chưa có quy chuẩn về khí thải các phương tiện thì không thể kiểm soát được khí thải ra môi trường. Trong khi đó, phân công trách nhiệm lại cát cứ, mỗi cơ quan, đơn vị chịu một chút, phân công chưa khoa học nên khi xảy ra vấn đề gì thì quả bóng trách nhiệm sẽ được đá đi đá lại, rất khó quy trách nhiệm.
Ngay như vấn đề quản lý chất lượng không khí, đến nay vẫn là bài toán khó, không biết đến khi nào mới kiểm soát được. Bởi lẽ, hiện nay Bộ TN&MT chịu trách nhiệm kiểm soát khí thải công nghiệp, Bộ GTVT chịu trách nhiệm kiểm soát khí thải của các phương tiện giao thông, Bộ Xây dựng kiểm soát khí thải trong quản lý xây dựng, đô thị... “Ở nhiều nước trên thế giới, họ thống nhất một đầu mối chuyên trách quản lý về môi trường nên khi xảy ra sự cố, người chịu trách nhiệm rất rõ ràng. Còn tại Việt Nam, việc quy trách nhiệm rất khó. Nay, Bộ TN&MT và Bộ GTVT đang lấy ý kiến về hai dự thảo Luật sửa đổi do hai bộ chủ trì soạn thảo, đều có quy định liên quan đến khí thải ô tô, xe máy; Bộ GTVT lại đang lấy ý kiến về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Nếu không thống nhất, phân định được vai trò, vị trí, trách nhiệm của mỗi bên, rất dễ luật lại đá luật. Để tránh tình trạng này và nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, vì lợi ích chung, buộc Quốc hội và Chính phủ phải quyết định” - TS Hoàng Dương Tùng nhìn nhận.
Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm chuyên nghiệp hóa trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực môi trường. Cần làm rõ vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như chức năng của các bộ, ngành trong vấn đề bảo vệ môi trường, không nên kéo dài tình trạng một bộ vừa đá bóng vừa thổi còi. “Việc quy về một mối là Bộ TN&MT là cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách xây dựng, ban hành các quy chuẩn về môi trường là phù hợp với sự phát triển. Tuy nhiên, Bộ TN&MT cũng phải chứng minh được năng lực của mình, bởi thực tế có những lĩnh vực Bộ đã được giao nhưng vẫn chưa làm được như kiểm kê khí thải hay đăng ký, kiểm kê nguồn thải” - TS Hoàng Dương Tùng nói.
Ngày 17/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 900/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP với mục tiêu tổng quát là kiểm soát được tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại các TP loại đặc biệt, loại 1 và loại 2. Trong đó, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: Giai đoạn từ năm 2010 - 2013 phấn đấu đạt được 20% số người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy thực hiện kiểm định và bảo dưỡng, sửa chữa xe mô tô, xe gắn máy đạt tiêu chuẩn khí thải. Giai đoạn từ năm 2013 - 2015 thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80 - 90% số lượng xe mô tô, xe gắn máy… Tuy nhiên, hiệu quả đề án này không đạt được như mục tiêu đề ra.
Hiện nay, việc kiểm soát khí thải chỉ áp dụng đối với các xe sản xuất và nhập khẩu mới. Trong khi nhiều người dân không quan tâm đến việc bảo dưỡng xe đang hoạt động, khiến phương tiện nhanh xuống cấp, ảnh hưởng chất lượng không khí.
Phó phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) Đặng Trần Khanh