Bão Tembin tiến nhanh vào Biển Đông, miền Bắc đón đợt rét mới dịp Noel

Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo, đêm 23/12, các tỉnh miền Bắc đón đợt không khí lạnh tăng cường. Trong khi đó, bão Tembin đang di chuyển nhanh vào Biển Đông.

Ảnh minh họa. Nguồn: Zing.vn.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư, hiện nay ở phía Bắc nước ta có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo, chiều tối và đêm 23/12, bộ phận không khí lạnh tăng cường này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và trung Trung Bộ.
Do nằm sâu trong khối không khí lạnh và khô, từ ngày 24/12 ở Bắc Bộ giảm mây, ngày nắng, đêm không mưa. Nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng trong đợt rét này ở vùng đồng bằng Bắc Bộ giảm xuống còn 11 - 14 độ C, ở các tỉnh vùng núi nhiệt độ giảm còn 7 - 10 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ C.

Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ trong các ngày 24 - 25/12 có mưa, mưa rào rải rác, trời rét. Khu vực Hà Nội nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét này phổ biến 12 - 14 độ C.

Trong khi đó, vào hồi 19h ngày 22/12, vị trí tâm bão Tembin ở vào khoảng 8,0 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây Nam Philippin. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20km/h) và có khả năng mạnh lên. Đến 19h ngày 23/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,9 độ Vĩ Bắc; 118,4 độ Kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan (Philippin) khoảng 120km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 100km/giờ), giật cấp 13.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20 - 25km/h) và tiếp tục mạnh thêm. Đến 19h ngày 24/12, vị trí tâm bão cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11 (90 - 115km/giờ), giật cấp 14.
 Vị trí và đường đi của bão
Để kịp thời ứng phó với bão số 16 - Tembin, tối 22/12 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa có công điện khẩn gửi các địa phương từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.

Theo Ban chỉ đạo, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và còn diễn biến phức tạp, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền trong thời điểm triều cường; rút kinh nghiệm và để giảm thiệt hại như đã xảy ra với bão số 12, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành phố, các bộ ngành thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biễn của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Đồng thời, tổ chức kiểm đếm quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; tăng cường lực lượng kiểm tra hướng dẫn, việc neo đậu tại bến, khu vực neo đậu quanh các đảo để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch trên các đảo, nhất là khách quốc tế. Kiểm tra rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, công trình ven biển, tàu thuyền tại khu neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản có nguy cơ ảnh hưởng do nước dâng, triều cường và gió mạnh.

Cùng với đó Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Ngoại giao có công hàm gửi đại sứ quán các nước trong khu vực, đề nghị giúp đỡ các ngư dân, tàu cá Việt Nam tránh trú bão và đảm bảo an toàn.