Bảo vệ quyền lợi 1.319 cá nhân qua giải quyết khiếu nại, tố cáo

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2023 đã bảo vệ quyền lợi cho 1.319 cá nhân và 44 tập thể, tổ chức.

Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị xử lý 1.585 người

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2023, công dân đến cơ quan Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng so với năm trước.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chính phủ, Thủ tướng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo, các cấp, các ngành cố gắng, nỗ lực, có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Việc tiếp công dân của Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tiếp tục có chuyển biến tích cực, đa số đều nhận thức rõ về trách nhiệm tiếp công dân định kỳ. Hầu hết các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp thực hiện nghiêm túc việc công khai lịch tiếp và trực tiếp tiếp công dân định kỳ hàng tháng.

Theo báo cáo, số ngày tiếp công dân của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đạt 92% so với 37,6% của giai đoạn 2016-2021; chủ tịch UBND tỉnh đạt 113% so với 61,5% của giai đoạn 2016-2021… Trong đó nhiều địa phương có tỷ lệ tiếp trên 100% số ngày quy định. Cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 17.463 vụ việc khiếu nại, nhiều hơn 23,4% so với năm trước. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo của Chính phủ cho thấy, đã bảo vệ quyền lợi cho 1.319 cá nhân; 44 tập thể, tổ chức.

Đáng chú ý, qua giải quyết tố cáo, các cơ quan hành chính Nhà nước đã kiến nghị xử lý 475 người, trong đó có 432 cán bộ, công chức; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 37 vụ, 32 đối tượng, trong đó có 16 cán bộ, công chức.

Qua giải quyết khiếu nại, có 1.110 người, trong đó có 44 cán bộ, công chức bị kiến nghị xử lý. Các cơ quan cũng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 3 vụ, 2 đối tượng.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân cố tình né tránh giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, các bộ ngành, địa phương đã tích cực, chủ động rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Vì vậy, nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, được dư luận quan tâm đã được rà soát, xử lý, giải quyết nghiêm minh, khách quan, đúng quy định của pháp luật, thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, cá nhân, tổ chức.

 Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp
 Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp

Về tồn tại, hạn chế, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn ở một số nơi chưa cao, còn sai sót, nhầm lẫn, hướng dẫn, chuyển đơn không đúng nơi có thẩm quyền giải quyết. Một số vụ việc chưa được chính quyền địa phương quan tâm, xem xét xử lý ngay từ cơ sở dẫn đến có nguy cơ diễn biến phức tạp.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian tới, các cơ quan sẽ tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật những vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu tỷ lệ trên 90%. Cùng với đó, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không thực hiện đầy đủ biện pháp bảo vệ người tố cáo dẫn đến người tố cáo bị trả thù, trù dập.

Tập thể, cá nhân cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo để công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp; thực hiện không nghiêm các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

Tỷ lệ tiếp công dân của các bộ trưởng chỉ đạt 60%, đề nghị Chính phủ làm rõ lý do

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với 81,7% số vụ việc khiếu nại, 86,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, tỷ lệ tiếp công dân của các bộ trưởng chỉ đạt 60%, đề nghị Chính phủ làm rõ lý do
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, tỷ lệ tiếp công dân của các bộ trưởng chỉ đạt 60%, đề nghị Chính phủ làm rõ lý do

Ủy ban Pháp luật đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân năm 2023. Mặc dù số lượt, số vụ việc và số đoàn đông người tăng mạnh so với năm 2022 nhưng Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương vẫn tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, cho thấy lĩnh vực này đang có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, việc công dân trực tiếp đến các bộ, ngành để khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh, nhất là về số lượng đoàn đông người (tăng 296%) cho thấy hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở còn hạn chế, tình hình công dân khiếu kiện lên các cơ quan ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá làm rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở,không để xảy ra tình trạng khiếu nại tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài.

Qua xem xét số liệu trong báo cáo cho thấy, việc trực tiếp tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện tốt nhất ở cấp xã (Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp 91%); đối với cấp tỉnh có chuyển biến tích cực, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã trực tiếp tiếp 79%, cao hơn 2% so với năm 2022 (77%) và cao hơn 23% so với bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2021 (56%).

"Tuy nhiên, đối với cấp bộ thì chỉ đạt 60% theo quy định. Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do của việc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tổng số đơn các loại do các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận là 453.097 đơn, tăng 31,4% so với cùng kỳ; trong đó, các cơ quan đã xử lý 428.955 đơn, chiếm tỷ lệ 94,7%.

So với năm 2022, số đơn do các bộ, ngành trung ương tiếp nhận tăng gần gấp đôi (94,4%) trong khi ở các địa phương số đơn tiếp nhận chỉ tăng 22,6%.

Từ đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp nhận, xử lý đơn, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.