Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Thành ủy: Quyết liệt để phục vụ tốt cuộc sống người dân Thủ đô

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Chúng tôi, các ĐB Quốc hội thuộc ĐoànTP Hà Nội hứa sẽ quyết tâm, quyết liệt hơn trong công tác của mình, để những công việc chung của TP được triển khai đạt hiệu quả cao hơn, phục vụ tốt hợn cuộc sống người dân Thủ đô”- Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Chiều nay, 4/5, tại trụ sở HĐND&UBND Quận Hai Bà Trưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu Đoàn ĐB Quốc hội TP gồm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội Nguyễn Quốc Duyệt, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa (Đơn vị bầu cử số 1) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thị Thu Hà; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và lãnh đạo, cử tri của 3 quận.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu trong cuộc tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu trong cuộc tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Mong các luật đáp ứng nguyện vọng của người dân, yêu cầu quản lý xã hội

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai đã báo cáo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; ĐB Quốc hội Nguyễn Quốc Duyệt báo cáo tổng hợp việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri Đơn vị bầu cử số 1 trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước.

Đại diện cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa nhận định, dự kiến trong Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ phải giải quyết khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt có những dự thảo luật quan trọng, nên cử tri rất mong muốn các luật được Quốc hội xem xét, thông qua sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân và yêu cầu quản lý xã hội của Nhà nước.

Cùng đó, cử tri cũng bày tỏ sự đồng tình khi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước tiếp tục làm quyết liệt từ sớm, từ xa; nâng cao chất lượng kiểm soát quyền lực, như Nghị quyết đại hội Đảng XIII đã nêu.

Ông Nguyễn Văn Lộc, đại diện cử tri phường Kim Liên nêu ý kiến, tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và một số dự án luật quan trọng khác, cử tri rất mong các luật này sớm được đi vào cuộc sống nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Cùng đó, đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát và thường xuyên kiểm tra, để không xảy ra những dự án chậm tiến độ dẫn đến thất thoát ngân sách, phải xử lý cán bộ.

Đại diện cử tri quận Ba Đình, cử tri Lê Thanh Huyến (phường Cống Vị) nêu những ý kiến tâm huyết đóng góp vào Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh: Việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết, để động viên họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển, xây dựng Thủ đô. Liên quan Chương II, Điều 28 về “Bảo vệ môi trường và giảm phát thải”, cử tri đề xuất, để thực hiện tốt bảo vệ môi trường, cần có cơ quan, viện nghiên cứu, tham mưu cho TP để làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần bố trí nguồn lực của TP, thu hút khuyến khích đầu tư vào dự án xử lý chất thải; tăng thu phí vệ sinh môi trường để đủ bù đắp cho quy trình thu gom - vận chuyển - xử lý rác thải sinh hoạt; có biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý những hành động gây xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Lãnh đạo TP Hà Nội và các đại biểu, cử tri 3 quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình tham dự cuộc tiếp xúc cử tri
Lãnh đạo TP Hà Nội và các đại biểu, cử tri 3 quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình tham dự cuộc tiếp xúc cử tri

Cử tri Lê Thị Minh Lý (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) góp ý vào Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và đề nghị tăng cường vai trò của xã hội,  cộng đồng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản; tăng phân cấp quản lý, kiểm tra, giám sát việc đầu tư cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tránh làm sai lệch giá trị di sản. Ưu tiên đầu tư cho những di sản đang có nguy cơ cần bảo vệ khẩn cấp và di sản của các dân tộc thiểu số, thuộc vùng biên giới, hải đảo...

Song song đó, cử tri đã nêu một số phản ánh, kiến nghị liên quan những vấn đề dân sinh đang rất quan tâm.

Trong đó, đại diện cử tri Quận Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Thị Vân Hạnh (phường Phố Huế) cho rằng, hiện nay bạo lực học đường vẫn tiếp tục là một vấn đề nhức nhối trong xã hội, gần đây liên tục xảy ra các vụ việc liên quan đến mối quan hệ giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh ở nhiều tỉnh, thành. Do đó, đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về vấn nạn này, cử tri kiến nghị Quốc hội và Bộ GD&ĐT nghiên cứu nâng cao chất lượng, văn hóa, kỹ năng ứng xử trong môi trường học đường; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của gia đình trong việc làm gương tốt và phối hợp với nhà trường, để cùng chung tay ngăn chặn bạo lực học đường.

Đại diện cử tri các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa nêu ý kiến 
Đại diện cử tri các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa nêu ý kiến 

Cử tri Nguyễn Việt Thắng (phường Thanh Nhàn) phản ánh tình trạng tội phạm lừa đảo qua mạng viễn thông và các trang mạng xã hội diễn biến phức tạp; hoạt động của một số ngân hàng, tổ chức tín dụng, việc kinh doanh vàng, chứng khoán, tiền tệ chưa tạo yên tâm cho người dân… Vì thế, cử tri mong Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành chức năng có biện pháp hiệu quả để giải quyết những vấn đề phức tạp đang đặt ra hiện nay, làm minh bạch thị trường, an toàn xã hội. 

Đại diện các cử tri quận Đống Đa, ông Nguyễn Đức Thuận (phường Nam Đồng) cho rằng, thực hiện Nghị quyết 35/2023 của Quốc hội khoá XV về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 là một công việc khá phức tạp, động chạm đến con người, tài sản. Vì vậy, cử tri đề nghị các cơ quan chức năng triển khai từng bước thận trọng, nhất là sắp xếp cán bộ dôi dư sao cho hợp lý; quản lý tài sản công các trụ sở hành chính khi sáp nhập hiệu quả; nhất là đặt tên đơn vị mới sao cho hợp lòng dân và phù hợp truyền thống văn hóa của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu trả lời các ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền của TP
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu trả lời các ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền của TP

Tăng phân cấp, phân quyền giúp Hà Nội có cơ hội phát triển rất lớn

Tiếp thu các ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà thay mặt lãnh đạo UBND TP trả lời những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP. Trong đó cho biết, công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã đang được TP triển khai các bước theo quy trình thực hiện, trong đó về quản lý tài sản công để tránh lãng phí, TP đã giao Sở Tài chính có hướng dẫn các quận huyện thị xã, sau khi phương án được phê duyệt thì các địa phương phải triển khai xây dựng phương án quản lý sắp xếp tài sản công, nhằm quản lý hiệu quả, đúng quy định, tránh lãng phí trong sử dụng.

Về sắp xếp cán bộ, theo Phó Chủ tịch UBND TP, giai đoạn này tuy số lượng ĐVHC sắp xếp không lớn nhưng TP đã chỉ đạo xây dựng phương án cụ thể để sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, nhất là với cán bộ dôi dư có nhu cầu nghỉ công tác sớm, TP đã giao các cơ quan tham mưu HĐND TP ban hành cơ chế đặc thù, sắp xếp và giảm dần theo lộ trình.

Về một số hoạt động còn nhiều ý kiến lo ngại, như vấn đề bạo hành trẻ em, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho biết, Thành ủy trong giai đoạn 2021-2025 đã chỉ đạo xây dựng Chương trình 06-CTr/TU liên quan đến xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, tháng 2/2024 đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện nội dung này. Hiện TP đã có những nội dung triển khai cụ thể, UBND TP có kế hoạch chi tiết phân công nhiệm vụ liên quan các nhóm vấn đề khác nhau, nhận diện để triển khai thực hiện hiệu quả trong cả hệ thống chính trị và các địa phương; TP sẽ tiếp thu ý kiến người dân để triển khai đạt hiệu quả hơn.

Đặc biệt, thực hiện quy trình xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi, TP vừa qua đã có nghị quyết đặc thù về cải tạo sửa chữa các di tích, theo chỉ đạo chung là thực hiện thận trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản. "Tiếp tục tiếp thu ý kiến cử tri, với số lượng di tích rất lớn trên địa bàn, UBND TP sẽ tiếp thục tham mưu Thành ủy, HĐND TP chỉ đạo triển khai thực hiện tốt hơn công tác này"- Phó Chủ tịch UBND TP cho biết.

Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri  
Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri  

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chuyển lời chào, lời cảm ơn trân trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới cử tri 3 quận và bày tỏ trân trọng với các ý kiến xác đáng, đúng tầm của cử tri. Bí thư Thành ủy giao tổ thư ký tổng hợp đầy đủ ý kiến, báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để xem xét, giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XVI tới sẽ diễn ra trong bối cảnh Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đang được tích cực triển khai. Đặc biệt, Luật Thủ đô dự kiến được thông qua tới đây sẽ có rất nhiều cơ chế chính sách cho phát triển đột phá của Thủ đô, với tinh thần chung là Hà Nội không “xin tiền” mà “xin cơ chế chính sách”, nhằm giải quyết những vấn đề hết sức quan trọng cho sự phát triển, như liên kết vùng, tăng phân cấp, phân quyền trên các lĩnh vực, với nhiều chế tài cụ thể, với mong muốn Thủ đô sẽ được tự quyết định nhiều vấn đề, nhất là những dự án lớn - cơ chế vô cùng quan trọng với TP trong tương lai.

Đối với vấn đề liên quan đến phát huy giá trị di sản văn hóa, Bí thư Thành ủy cho hay, Hà Nội là đơn vị đầu tiên cả nước trong tháng 2/2022 đã cho ra đời Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong bối cảnh số lượng di tích văn hóa trên địa bàn rất đậm đặc, Hà Nội đầu tư gần 90.000 tỷ đồng từ cấp TP tới các quận huyện cho công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao đổi, trò chuyện với các cử tri
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao đổi, trò chuyện với các cử tri

Nhấn mạnh chính nhờ tăng phân cấp, phân quyền nên Hà Nội nói chung và các quận, huyện nói riêng đang có cơ hội phát triển rất lớn, điển hình như phân cấp, phân quyền cho quận, huyện quản lý công viên và di tích, xây dựng trường học…, Bí thư Thành ủy cũng cho biết, TP đã đạt số thu ngân sách cao trong 4 tháng đầu năm nay, trong đó thu từ sản xuất kinh doanh đã vượt kế hoạch. Đồng thời khẳng định, tinh thần chung của Thành ủy là luôn đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện, từ phương thức lãnh đạo, cầm quyền cho đến rà soát lại tổ chức biên chế… đều đang được tích cực đổi mới.

Bí thư Thành ủy cũng vui mừng thông tin tới cử tri, xây dựng nông thôn mới của Hà Nội cũng là một bước đột phá, đạt kết quả khả quan, với số lượng lớn xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; kỷ luật kỷ cương hành chính được tăng cường; một số công trình trọng điểm nhất là dự án đường giao thông, xử lý nước thải đang được TP tập trung cao độ…

Tiếp thu các ý kiến cụ thể, tâm huyết của cử tri 3 quận, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, các ĐB Quốc hội thuộc Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội quyết tâm, quyết liệt hơn trong công tác của mình, để những công việc chung của TP được triển khai đạt hiệu quả cao, phục vụ tốt hợn cuộc sống người dân Thủ đô.