Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến tướng của bạo lực học đường

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự việc cô giáo chủ nhiệm cho 6 học sinh đánh một bạn cùng lớp vì lý do đi học muộn mới đây làm dấy lên lo ngại về những biến tướng của bạo lực học đường;...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thay vì vấn nạn trò đánh trò do mâu thuẫn như trước, nay lại xuất hiện hình thức mới: thầy chỉ đạo trò đánh trò.

Sự việc xảy ra ngày 13/5 tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3, TP Hồ Chí Minh). Theo đó, một nam sinh học lớp 12 của trường trót đi muộn trong ngày kiểm tra thông tin chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Bực mình vì ý thức và thái độ của nam sinh này, giáo viên chủ nhiệm đã “lệnh” cho 6 học sinh của lớp cầm một đoạn ống nhựa lần lượt đánh vào mông học sinh mắc lỗi với yêu cầu “đánh không đau thì phải đánh lại”.

Dù nhiều lý do được đưa ra cũng không thể biện minh hay giải thích cho lối xử phạt “có một không hai” của cô giáo. Hầu hết phụ huynh cũng như dư luận cho rằng, hành vi của cô là phản giáo dục.

Về phía cô giáo, sau nhiều nỗ lực nhận lỗi, sửa sai, cô cho biết mình chấp nhận mọi hình phạt. Ban giám hiệu nhà trường cũng tạm đình chỉ công tác giảng dạy của cô để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.

Ai cũng hiểu, nhà giáo cũng là con người; cũng có những cảm xúc thường nhật như bực tức, nóng giận… Nhưng nhà giáo khi đứng trên bục giảng, mọi lời nói, hành vi, ứng xử đều yêu cầu tính chuẩn mực rất cao, nhất là những người có thời gian dài thực học, thực nghiệp với nghề sư phạm.

Học sinh đánh học sinh là sai; cô giáo đánh học sinh là sai; nhưng cô giáo yêu cầu nhóm học sinh đánh bạn học ngay tại lớp thì cái sai đó càng nhân lên gấp nhiều lần.

Điều đáng buồn là ý thức và nhận thức của cô giáo trong trường hợp cụ thể nêu trên dường như vẫn coi nhẹ những quy định được coi là chuẩn mực cần phải có của một nhà giáo trong môi trường học đường.

Có không ít lối ứng xử thiếu chuẩn mực giữa giáo viên với học sinh từng xảy ra và bị lên án mạnh mẽ cũng như bị xử lý nghiêm. Trước đó chưa lâu, vụ việc cô giáo “kéo lê học sinh ngoài hành lang” tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội trở thành nỗi day dứt, ám ảnh của nhiều người làm nghề giáo bởi sau vụ việc, tinh thần, uy tín, danh dự của cô giáo có hành vi đó bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Điều 67 Luật Giáo dục 2019 quy định về tiêu chuẩn của nhà giáo, phải có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt. Tại Dự thảo Luật Nhà giáo đang được xin ý kiến góp ý cũng nêu rất rõ yêu cầu về hoạt động nghề nghiệp và đạo đức nhà giáo.

Cụ thể, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là hoạt động đặc biệt, có sản phẩm là nhân cách người học; có tính chuyên nghiệp trong việc dạy học, tổ chức, hướng dẫn, tư vấn việc tìm kiếm tri thức, sản sinh tri thức, rèn luyện phẩm chất và năng lực người học; đòi hỏi tính gương mẫu, tự giác, linh hoạt và sáng tạo cao.

Dự thảo cũng quy định rõ nghĩa vụ của nhà giáo là gương mẫu; giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, đạo đức nghề nghiệp; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, học tập nâng cao phẩm chất và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng môi trường giáo dục an toàn…

Đặc biệt, dự thảo quy định chi tiết về các hành vi nghiêm cấm nhà giáo như: xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học; phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; vi phạm đạo đức nhà giáo và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Cả nước hiện có gần 1,6 triệu nhà giáo. Đây là lực lượng hùng hậu, là vốn rất quý của toàn ngành. Ngành giáo dục luôn xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhưng muốn tài sản đó thêm mạnh, thêm quý, một trong những yếu tố quan trọng là nhà giáo phải tự biết trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; để khi đứng trên bục giảng, mỗi nhà giáo thực sự là tấm gương mẫu mực, là người mẹ hiền, truyền dạy tri thức tốt đẹp cho học sinh. Nếu không coi trọng điều đó, những biến tướng của bạo lực học đường vẫn có thể lại tiếp tục xảy ra…