Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biết ơn thầy cô không chỉ một ngày

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) và tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 1982 - 2022 đã được tổ chức trọng thể...

Sự hiện diện của các vị lãnh đạo từ T.Ư, Hà Nội… đã nói lên sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, TP đến ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng như đội ngũ các thầy cô, lực lượng quyết định sự thành bại của sự nghiệp trồng người.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam là cần thiết, vừa mang tính nhân văn, vừa có tác dụng thiết thực động viên thầy và trò cả nước thi đua dạy tốt, học tốt.
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam là cần thiết, vừa mang tính nhân văn, vừa có tác dụng thiết thực động viên thầy và trò cả nước thi đua dạy tốt, học tốt.

Cũng trong dịp này, các địa phương, trường học, cơ sở giáo dục tổ nhiều hoạt động chào mừng ngày lễ của các thầy, cô như hội thảo, hội thi giáo viên dạy giỏi…

Với truyền thống tôn sư trọng đạo, việc tổ chức các hoạt động tôn vinh thầy, cô giáo cùng ngành GD&ĐT trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam là cần thiết, vừa mang tính nhân văn, vừa có tác dụng thiết thực động viên thầy và trò cả nước thi đua dạy tốt, học tốt. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, dù là một việc làm có ý nghĩa tốt đẹp tới đâu, nếu không được tổ chức một cách phù hợp cũng sẽ giảm đi ít nhiều ý nghĩa, thậm chí gây phản cảm.

Nói vậy bởi những năm gần đây, dịp 20/11, bên cạnh các bài viết, những dòng tâm sự bày tỏ niềm tự hào, hạnh phúc khi được toàn xã hội tôn vinh, chúc mừng, cũng không ít ý kiến của các thầy, cô chia sẻ sự mệt mỏi do áp lực từ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức một cách dày đặc. Nhiều thầy cô than phiền phải dành quá nhiều sức lực, thời gian tham gia các hội thi, hội giảng, các cuộc tiếp khách… với mật độ khá dày đặc chỉ trong dịp 20/11.

Và không chỉ với các thầy, các cô, cộng đồng xã hội cũng chịu áp lực bởi không ít hệ lụy phát sinh từ những hoạt động trong dịp kỷ niệm này. Đường phố Hà Nội vốn đông đúc, những ngày này lại càng tấp nập hơn bởi nhiều tốp học sinh rủ nhau đến thăm, chúc mừng các thầy, cô giáo. Như trên đã nói, việc các thế hệ học trò đến thăm, chúc mừng thầy cô là một nét đẹp, biểu hiện truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc từ bao đời nay. Song với tình hình giao thông của Hà Nội hiện tại đó cũng là điều nên cân nhắc.

Bởi trong thực tế, các em học sinh, nhất là ở các lớp cấp dưới, hầu như chưa đủ kỹ năng tham gia giao thông trong điều kiện tình hình giao thông ở các đường phố Hà Nội phức tạp như hiện nay. Đó là chưa kể với bản tính hiếu động, các em dễ có những hành vi không phù hợp như vi phạm luật lệ giao thông, gây gổ, xích mích… Thậm chí, nhiều tốp học sinh đầu trần không đội mũ bảo hiểm đèo hai, ba trên xe máy phân khối lớn lạng lách, phóng nhanh, đánh võng trên đường.

Thực tế trên đặt ra một vấn đề cần xem xét. Đó là nên tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách phù hợp, tránh việc tổ chức quá dày đặc, mang tính hình thức để không tạo áp lực cho thầy và trò. Ngay cả các hoạt động chúc mừng cũng vậy. Nên chăng, với các học sinh khối lớp cấp tiểu học, trung học cơ sở, ban phụ huynh đứng ra tổ chức tại lớp để các con cùng nhau chúc mừng cô, trò, có sự hỗ trợ, hướng dẫn của đại diện cha mẹ học sinh.

Cuối cùng, có lẽ, cách tỏ lòng biết ơn và tôn vinh thầy cô phù hợp nhất là mỗi học trò cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt trong khả năng của mình; mỗi phụ huynh tạo điều kiện tốt nhất có thể để con em mình làm được điều đó. Chúng ta vẫn nói, việc học là việc cả đời. Cũng bởi vậy, tri ân, tôn vinh các thầy cô, những người từng dẫn dắt trao truyền kiến thức, bài học làm người cho chúng ta không chỉ trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam mà là công việc thường xuyên, nhiều khi của cả một đời người học trò như một lẽ tự nhiên.

Làm được như vậy, Ngày Nhà giáo Việt Nam sẽ thực sự là ngày hội với thầy và trò, cũng chính là mỗi người đã tự rèn luyện và đóng góp vào truyền thống hiếu học tôn sư trọng đạo, một trong những nền tảng quan trọng của văn hóa, đạo đức dân tộc Việt Nam.