Thưa Bộ trưởng đâu sẽ là những giải pháp để Luật CBCC và Luật Viên chức thực sự đi vào cuộc sống?
- Từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức chính thức có hiệu lực sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng trong tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn tổ chức thực hiện.
Để triển khai có hiệu quả quy định của Luật CBCC, Luật Viên chức thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Vì vậy, đồng thời với các quy định sửa đổi lần này, Bộ Nội vụ đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi các Nghị định liên quan lĩnh vực CBCCVC. Trong đó, tập trung vào các nội dung về đổi mới phương thức tuyển dụng; công tác đánh giá cán bộ; phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương; nâng cao chất lượng, kỷ cương trong đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Những nội dung này đòi hỏi chi tiết, cụ thể mà không thể quy định trong luật, song cũng là những vấn đề hết sức phức tạp. Bộ đặt mục tiêu trình Chính phủ đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và thời gian có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật.
Hoàn thiện thể chế là yêu cầu cần thiết, quan trọng được đặt ra. Song song đó, mỗi CBCCVC nhất là người nắm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải thực sự công tâm, tận tâm tận lực trên tinh thần phục vụ người dân, DN, nỗ lực cho công việc chung trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Tại phiên chất vấn của Quốc hội tháng 11/2019, Bộ trưởng nói số liệu tổng hợp từ các tỉnh thành cho thấy tỷ lệ CBCC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 27,7%; hoàn thành tốt 67,3% là chưa chính xác. Vậy tới đây, trong đánh giá CBCCVC sẽ có những thay đổi gì để bảo đảm thực chất, thưa Bộ trưởng?
- Thực tế, công tác đánh giá CBCCVC đúng là còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC, Luật Viên chức cũng đã quy định nguyên tắc, thực hiện đánh giá phải theo tiêu chí cụ thể, gắn với kết quả, sản phẩm, thực hiện hàng năm, trước khi luân chuyển, bổ nhiệm. Đồng thời giao người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quy định tiêu chí đánh giá cụ thể bảo đảm đáp ứng nguyên tắc của Luật đề ra và quyết định thực hiện đánh giá theo quý, tháng, tuần phù hợp đặc thù công việc cơ quan, tổ chức, đơn vị. Công tác đánh giá cán bộ là khâu quan trọng, căn cứ để thực hiện quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm; đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ là căn cứ để đánh giá năng lực cán bộ và định hướng phát triển của mỗi người.
Tới đây trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ quy định chi tiết nhất có thể được. Tuy nhiên, cũng cần sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt sự chỉ đạo của người đứng đầu, nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác đánh giá. Kết quả đánh giá xuất sắc gắn với các tiêu chí như hiện nay phải có đề tài, đề án được đăng ký; đánh giá như vậy cũng tiệm cận đến với tiêu chí bằng kết quả, sản phẩm cụ thể. Nhưng cũng cần có tiêu chí cụ thể hơn, bởi có những đề tài, đề án không có hiệu quả áp dụng cũng được đăng ký và là căn cứ để đánh giá xuất sắc cho thấy không phù hợp; ngược lại, có những người không có đề tài, đề án nhưng kết quả công việc tốt lại không được nhìn nhận. Như vậy không công bằng. Do đó, 27,7% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là con số thống kê, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn hiện hành, nhưng có thể chưa phản ánh hết thực tế.
Theo ông, làm thế nào để tránh tình trạng nể nang, hình thức trong đánh giá cán bộ?
- Để tránh tình trạng nể nang, hình thức thì trước hết, quy định pháp luật phải rõ ràng, quy trình đánh giá phải công khai, minh bạch; các tiêu chí đánh giá phải căn cứ vào kết quả sản phẩm cụ thể, đề cao trách nhiệm, tính tự giác của người đứng đầu. Luật cũng đã bổ sung quy định rất rõ về vấn đề này, đó là với những người làm công tác lãnh đạo, quản lý thì mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách.