Trên đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại Hội thảo về tiền di động do Bộ này tổ chức vào sáng nay (23/5). Với chủ đề "Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện”, đây sẽ là nơi để các chuyên gia trong và ngoài nước cùng thảo luận về việc triển khai tiền di động tại Việt Nam (Mobile Money), dịch vụ hiện đang được áp dụng khá phổ biến trên toàn thế giới.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết, ngay trong năm 2019, dịch vụ Mobile Money sẽ được cấp phép thử nghiệm tại Việt Nam. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, Việt Nam lại không thuộc nhóm đầu áp dụng một nền tàng mới do công nghệ tạo ra. Tính tới hiện tại, nếu thử nghiệm thì Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 91 triển khai nền tảng thanh toán này.
Theo thống kê, tính tới hết 2018, trên toàn thế giới đã có 90 nước chấp nhận Mobile Money, với số lượng lên đến gần 900 triệu người dùng. Giá trị giao dịch mỗi ngày đạt 1,3 tỷ USD cùng tăng trưởng hàng năm 20%, nếu tính riêng tại châu Á thì con số này là 31%. Có nhiều quốc gia, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money tới trên 50%.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam sẽ triển khai Mobile Money trong 2019 |
Phân tích về tính cần thiết của Mobile Money, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam đang tập trung nhiều cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhưng lại quên không phát triển một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy là nền tảng thanh toán. Muốn một startup hay dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào có thể thực hiện việc này tốt hơn là di động, là Mobile Money.
Mặc dù Việt Nam đã có mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay nhưng tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp với 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Do đó nhiều người dân bị gạt ra ngoài hệ thống tài chính chính thống, đó là những người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Mobile Money sẽ là giải pháp cho những vấn đề trên, để người dân có thể tiếp cận tới các dịch vụ mang tính đổi đời trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội. Đây cũng là dịch vụ nhằm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển hơn khi thanh toán không dùng tiền mặt, Bộ trưởng chia sẻ.
Áp dụng vào thực tế, Mobile Money sẽ giúp những lĩnh vực như nông nghiệp có thể số hóa chuỗi giá trị. Tại các nước đang phát triển, khoảng 15% người trưởng thành có doanh thu từ bán nông sản, nhưng đa số họ nhận tiền mặt, hình thức thanh toán rủi ro, không hiệu quả và bất tiện khi thu tiền. Họ cũng không thể bán nông sản cho một người ở xa. Tuy nhiên với Mobile Money, người ở thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc, thậm chí ở cây nào trong vườn cây đó. Người nông dân cũng vì đó mà bán được giá cao.
Với doanh nghiệp, Mobile Money sẽ làm xuất hiện rất nhiều đơn vị mới kinh doanh trong lĩnh vực số và những công ty khởi nghiệp công nghệ. Thanh toán qua di động sẽ là phương thức phổ biến nhất được chấp nhận bởi các công ty khởi nghiệp. Mobile Money sẽ góp phần bùng nổ các startup Việt Nam, người đứng đầu Bộ TT&TT kỳ vọng.
Mobile Money cũng sẽ giúp nhà mạng viễn thông có thể trở thành nền tảng của nhiều thứ, chứ không chỉ là hạ tầng viễn thông như hàng trăm năm nay. Việt Nam có thể kỳ vọng nhiều hơn nữa vào các nhà mạng trong việc tự chuyển mình để trở thành nền tảng của dữ liệu, của Computing, của nội dung số, của xác thực, của dịch vụ IT, của IoT ...
Tuy nhiên Bộ trưởng lưu ý, cũng sẽ có nhiều vấn đề pháp lý phải giải quyết cho Mobile Money, bên cạnh đó là những thách thức, rủi ro đi kèm, nhưng lợi ích lại lớn hơn rất nhiều. Sẽ không có ‘Free Lunch’ (bữa trưa miễn phí), nhưng sẽ có những lợi ích to lớn mà công nghệ mang lại cho xã hội.
Việt Nam có giao dịch phi tiền mặt thấp nhất khu vực: Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực, chỉ đạt 4,9%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%. Số người Việt Nam có tài khoản ngân hàng cũng chỉ đạt 30% dân số, tập trung ở thành thị. |