Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ TT&TT chính thức phát động Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021

Đỗ Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021 nhằm tuyên dương các DN công nghệ số tiêu biểu, thực hiện tốt chiến lược Make in Viet Nam, đồng thời xúc tiến đầu tư quảng bá thương mại, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm dịch vụ, giải pháp sáng tạo về kinh doanh của công nghệ số.

Nhằm khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ số, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trực tuyến Lễ phát động Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021 diến ra ngày 18/6. 
 Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm (trái) và Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng chính thức khởi động Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021. Ảnh: Đỗ Hương
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, phát triển sản phẩm là con đường để Việt Nam làm chủ cả công nghệ và sản phẩm, đi cùng nhịp với các cường quốc trên thế giới trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới để đất nước sớm tự lập, tự cường; là chìa khoá để vươn lên thứ bậc cao trong chuỗi giá trị, bắt kịp các nước phát triển cũng đang bắt đầu chuyển đổi số (CĐS).
“Các DN cần phát huy lợi thế, chủ động sáng tạo thiết kế, thay đổi các sản phẩm dịch vụ và giải pháp. Các DN cần có niềm tin vào khả năng giải quyết các bài toán của Việt Nam và qua đó chiếm lĩnh được thị trường”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh. 
Các DN Make in Viet Nam cũng cần khai thác hiệu quả công nghệ số, và từ đó làm chủ các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để giải quyết các bài toán của công nghệ Việt Nam, đặc biệt là ứng dụng các công nghệ mới nổi như Al, bigdata, IoT, tự động hoá robot, các ứng dụng làm chủ công nghệ lõi tiến tới đóng góp cho công nghệ của thế giới; ứng dụng càng có nhiều cơ hội để tiếp cận với thị trường thế giới để cải thiện sản phẩm làm chủ công nghệ.
Để Việt Nam làm chủ công nghệ, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, các DN công nghệ số cần chú trọng ứng dụng công nghệ mở bao gồm mã nguồn mở, dữ liệu mở, từ đó Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành quốc gia làm chủ về mặt công nghệ và dựa trên trí tuệ của nhân loại mà còn đóng góp trí thức của thế giới về công nghệ của nhân loại.
Hiệu ứng lan toả từ giải thưởng
Qua một năm triển khai, giải thưởng này có hiệu ứng lan toả tốt, nhiều sản phẩm đoạt giải đã giúp cho chính phủ, các cơ quan, DN và người dân thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là nhiều DN công nghệ số đã chung tay cùng đất nước phòng chống dịch bệnh Covid-19, đưa ra nhiều giải pháp nền tảng số tham gia vào cuộc chiến này nhằm phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.
Phần lớn các sản phẩm đoạt giải thưởng năm 2020 được đánh giá cao và đã giúp các DN có cơ hội nhận được những khoản đầu tư mới.
 Toàn cảnh Lễ phát động Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021. Ảnh: Đỗ Hương
Sản phẩm akaBot (giải pháp tự động hoá cho từng quy trình doanh nghiệp), sau khi đoạt giải nhất Sản phẩm số xuất sắc năm 2020, đã đem lại cho công ty với tốc độ tăng trưởng 300% năm 2020 về doanh thu và số lượng khách hàng tăng gấp đôi, có mặt trên 9 thị trường quốc tế. Ông Bùi Đình Giáp, nhà sáng lập và CEO của akaBot (FPT Sofware) cho biết, "Giải thưởng Make in Vietnam 2020 giống như bệ phóng giúp đội ngũ công ty thêm động lực để giành nhiều thành tựu hơn nữa."
Ngoài ra, sản phẩm VNPT Edu (sản phẩm e-learning thu hẹp khoảng cách số) đứng đầu danh sách về từ khoá học tập trực tuyến trên mạng, top 2 về trending trên Google Việt Nam, sản phẩm DrAid của Vinbrain (Al trợ lý bác sỹ) đã được triển khai ở nhiều bệnh viện ở Hà Nội, Hồ Chí Minh đặc biệt đã hỗ trợ hiệu quả cho các bệnh viện ở Bắc Giang Bắc Ninh. Voso.vn - sàn thương mại điện tử của Viettel Post đã tích cực hỗ trợ hơn 3,000 hộ nông dân nông sản lên sàn hơn 2,000 tấn vải thiều chỉ trong tháng 6. 
"Các DN công nghệ số cần phát huy lợi thế am hiểu thị trường nội địa, nhu cầu khách hàng, văn hoá bản địa, chủ động sáng tạo, thiết kế, thay đổi các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp theo các nhu cầu riêng biệt của khách hàng. Các DN công nghệ số Việt Nam khả năng giải quyết tối ưu nhất các bài toán của Việt Nam và qua đó chiếm lĩnh được thị trường CĐS trong nước", ông Tâm khẳng định.
Thứ trưởng Tâm đề nghị các DN công nghệ số Việt Nam cần khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ số mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để giải quyết các bài toán của Việt Nam; đặc biệt là các công nghệ mới nổi như AI, phân tích dữ liệu lớn, IoT và tự động quy trình robotic…, đi từ ứng dụng công nghệ đến làm chủ một số công nghệ lõi, tiến tới đóng góp công nghệ cho thế giới.
Điểm khác biệt của Giải thưởng năm 2021
Về cơ cấu giải thưởng, theo Ban tổ chức, điểm khác biệt của năm nay sẽ có các giải: Giải Vàng, Giải Bạc, Giải Đồng và Top 10 cho 4 hạng mục Nền tảng số xuất sắc, Sản phẩm số xuất sắc, Giải pháp số xuất sắc, Thu hẹp khoảng cách số. Top 10 cũng được trao cho hạng mục Sản phẩm số tiềm năng.
 
Các sản phẩm được tôn vinh cần đáp ứng 2 nhóm tiêu chí chính bao gồm: thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và có giá trị thực tế. Trong nhóm tiêu chí "Giá trị thực tế", cơ cấu điểm liên quan đến doanh thu, số lượng người dùng chiếm khoảng 70% số điểm.
Theo Ban tổ chức, thời gian nhận đăng ký và hồ sơ tham gia giải thưởng sẽ kéo dài từ ngày 20/6 đến hết ngày 20/9, nhiều hơn 1 tháng so với giải thưởng năm 2020.
Trong thời gian từ 20/6 đến 20/7, doanh nghiệp có thể đăng ký sơ bộ và nhận được sự hướng dẫn của cơ quan thường trực giải thưởng để chuẩn bị hồ sơ theo Quy chế giải thưởng. Các đơn vị, doanh nghiệp gửi hồ sơ trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử có địa chỉ: makeinvietnam.mic.gov.vn và makeinvietnam.vcci.com.vn.