2022 – một năm nhìn lại
Báo cáo tại Đại hội, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bùi Ngọc Dương chia sẻ về các thuận lợi, khó khăn của năm 2022. Về thuận lợi, thị trường xăng dầu thế giới và Việt Nam phục hồi sau dịch, crack spread gia tăng, crack margin trung bình năm cao nhất kể từ khi NMLD Dung Quất đi vào vận hành, dẫn đến lợi thế cho BSR.
Bên cạnh đó nguồn cung xăng dầu trong nước từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và nhập khẩu bị hạn chế; nhà máy vận hành ở công suất tối ưu, trung bình đạt 108%, có thời điểm lên tới 112%; sự quan tâm chỉ đạo từ cổ đông Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan; chuỗi liên kết từ nguyên liệu, vận tải, chế biến, phân phối, được củng cố ngày càng thuận lợi hơn.
Về khó khăn, thị trường dầu thô diễn biến phức tạp từ đầu quý 3 và cuối quý 4/2022. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, biến động tỷ giá và lạm phát khiến chi phí sản xuất tăng lên. Việc mua dầu thô nhập khẩu có phụ phí cao, làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào.
Chênh lệch giữa giá dầu thô và sản phẩm năm 2022 khá cao, có phần dị biệt, do đó tạo ra thách thức lớn với kế hoạch năm 2023 của Công ty.
Kết quả sản xuất kinh doanh của BSR trong năm 2022, với sản lượng sản xuất và xuất bán đạt hơn 7 triệu tấn sản phẩm các loại, doanh thu đạt 168,9 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN trên 19.040,7 tỷ đồng và LNST đạt 14.669,3 tỷ đồng, cao nhất từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành đến nay.
Nhờ đó năng lực tài chính BSR đang ngày càng lớn mạnh sau khi đạt được kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2022. Giá trị tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn 25.025 tỷ đồng; giá trị nợ vay dài hạn bằng 0 do trong năm 2022, Công ty đã hoàn thành trả xong nợ vay dài hạn đầu tư nhà máy; dòng tiền hoạt động kinh doanh cả năm 2022 đạt 6.066 tỷ đồng.
Về thị trường, chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm trung bình các tháng đầu năm 2023 vẫn còn là lợi thế, nhu cầu dầu thô còn tăng cao do bất ổn địa chính trị và cân bằng cung cầu dầu thô chưa được thiết lập. Về quản trị, đẩy mạnh quản trị biến động, ứng phó tốt với các thách thức như căng thẳng địa chính trị, giá dầu vận động khó dự báo…
Tại đại hội, HĐQT trình Đại hội bầu hai Thành viên HĐQT là ông Hà Đổng và ông Hạng Anh Minh và một Thành viên BKS là ông Hoàng Ngọc Xuân. Nhiệm kỳ mới, số lượng thành viên HĐQT là 5 người, với 1 thành viên kiêm Tổng Giám đốc; BKS gồm 3 thành viên; nhiệm kỳ của các thành viên là 5 năm.
Năm 2023, BSR đặt kế hoạch doanh thu đạt 95.370 tỷ đồng; nộp NSNN đạt 9.812 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 1.721 tỷ đồng và sản lượng hơn 5.6 triệu tấn thành phẩm, trong đó cao nhất là dầu diesel chiếm hơn 2,36 triệu tấn, tiếp theo là xăng RON 95 đạt 1,38 triệu tấn, RON 91/92 gần 789 nghìn tấn. Việc BSR đặt mục tiêu giảm lãi là điều đã được dự báo trước, nhất là sau năm 2022 đạt kết quả kỷ lục.
BSR cũng có đánh giá về những khó khăn sẽ gặp phải trong năm 2023, cụ thể: Thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5% thuế suất, trong khi thuế TNDN tăng từ 5% lên 10%, khiến lợi nhuận của BSR có thể giảm; Lạm phát các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ở mức rất cao và Việt Nam có nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài khi nhiều sản phẩm trong nước phụ thuộc vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu.
Điều này kéo theo chi phí hoạt động trong năm dự kiến tăng; Cạnh tranh trong quá trình mua dầu thô trong nước có thể khiến BSR không mua đủ dầu cho nhà máy lọc dầu Dung Quất; Ảnh hưởng từ Nghị định 95 về công thức giá (gồm giá cơ sở và phụ phí Premium) có thể gây tác động bất lợi; Cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu với các nước trong Hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt, sản phẩm polypropylen (PP) dự kiến gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với sản phẩm của các nhà máy trong nước như Hyosung Vina, NSRP, LSP,... và hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc; Biến động mạnh và nhanh, khó dự báo của thị trường dầu mỏ; Khó khăn khi triển khai dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất.
Trước bối cảnh đó, để duy trì lợi nhuận năm 2023, BSR tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên là tập trung vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, liên tục ở công suất, cơ cấu sản phẩm tối ưu phù hợp với nhu cầu và tình hình thị trường; nâng cao hiệu quả công tác đánh giá thông tin dự báo giá dầu thô và sản phẩm, chi phí vận chuyển/bảo hiểm, thông tin cung-cầu của thị trường trong nước và ngoài nước, tình hình dịch bệnh, rủi ro địa chính trị tại khu vực và quốc tế,...