Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát–Giai đoạn 2:

Các bị cáo đồng phạm “rửa tiền” với Trương Mỹ Lan như thế nào?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Ngày 20/9, phiên tòa sơ thẩm xét xử 34 bị cáo vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP)–Giai đoạn 2, bước sang ngày thứ hai.

Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan (SN 1956, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn VTP) bị truy tố 3 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Cùng bị xét xử tội “Rửa tiền”, còn có nhiều bị cáo với vai trò đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (thứ 2 từ trái sang).
Bị cáo Trương Mỹ Lan (thứ 2 từ trái sang).

Để rửa tiền “Tham ô tài sản” của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và từ việc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua phát hành trái phiếu với tổng số tiền lên tới 445.747.604.370.480 đồng, Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút tiền mặt tại SCB rồi giao cho Bùi Văn Dũng (lái xe của Lan) vận chuyển và giao theo chỉ đạo của Lan.

Từ tháng 2/2019 đến ngày 12/9/2022, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Bùi Văn Dũng đến SCB chi nhánh Sài Gòn (số 927 Trần Hưng Đạo, quận 5) để nhận từ Thái Thị Thanh Thảo (giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale) và Trần Thị Thúy Ái (kiểm soát viên ngân quỹ kiêm thủ quỹ) tổng số tiền 108.878.000.000.000 đồng và 14.757 USD, rồi chở về giao cho thư ký của Lan là Trần Thị Hoàng Uyên tại tòa nhà Sherwood số 127 Pasteur, hoặc Trần Xuân Phượng là thư ký của Ngô Thanh Nhã (em dâu Trương Mỹ Lan) tại Công ty CP Tập đoàn VTP ở số 193-203 Trần Hưng Đạo (quận 1) và một số cá nhân khác. Việc nhận và giao tiền cho các cá nhân đều được Dũng ghi chép vào sổ tay. Trong tổng số tiền nhận và giao, Dũng đã giúp sức Trương Mỹ Lan hợp thức sử dụng 6.330.961.000.000 đồng, là tiền có nguồn gốc do Trương Mỹ Lan phạm tội “Tham ô tài sản” và “Lừa đảo sử dụng tiền tài sản”.

Đối với bị cáo Chu Lập Cơ (tức Chu Nap Kee Eric, SN 1956, chồng bị cáo Lan), mở và sử dụng 3 thẻ thanh toán (Visa, Master) tại SCB. Trong quá trình sinh sống, lưu trú tại Việt Nam và khi đi ra nước ngoài, từ tháng 1/2018 đến ngày 7/10/2022, Chu Lập Cơ đã sử dụng 33.371.349.000 đồng do Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên nộp vào các thẻ thanh toán nêu trên, số tiền này do Lan phạm tội mà có.

Bị cáo Chu Lập Cơ. 
Bị cáo Chu Lập Cơ. 

Cáo trạng xác định, từ ngày 1/1/2018–7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chuyển số tiền chiếm đoạt được ra khỏi hệ thống SCB, và chuyển vào tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân. Trong đó: sử dụng 287.431.949.507.990 đồng để trả cho các khoản vay tại SCB là 182.302.036.127.716 đồng (các tài khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn VTP tại SCB); chi thực hiện các dự án 1.841,348 tỷ đồng; rút tiền mặt cho các cá nhân 15.143,820 tỷ đồng; trả cho các ngân hàng khác 5.618,175 tỷ đồng (các khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn VTP tại các ngân hàng nằm ngoài hệ thống SCB); trả gốc và lãi của trái phiếu là 1.645.020.300.000 đồng (trả gốc và lãi cho các gói trái phiếu phát hành của các công ty thuộc Tập đoàn VTP); chuyển cho SCB Cầu Giấy 356.491.971.677 đồng để mua USD; chi khác 48.430.091.459.607 đồng là các khoản chi trả nợ giữa các công ty/cá nhân trong Tập đoàn VTP vay nợ nhau, thanh toán khoản trả phí (trường hợp tiền chưa dùng sẽ được chuyển vào tài khoản “chờ”, khi cần sẽ rút ra); chuyển tiền ra nước ngoài tại SCB là 32.094.966.648.990 đồng (tương đương 1.365.543.284 USD) của 29 giao dịch liên quan 9 công ty thuộc Tập đoàn VTP (qua các hợp đồng “khống”: mua  bán cổ phần, vốn góp, hợp đồng vay nợ, hợp đồng tư vấn...). Còn lại 128.234.654.862.490 đồng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo dùng cho mục đích khác.

Ngoài bị cáo Chu Lập Cơ, Bùi Văn Dũng phạm tội “rửa tiền” với vai trò giúp sức cho Trương Mỹ Lan, còn có các bị cáo khác, gồm: Trương Khánh Hoàng (nguyên quyền Tổng Giám đốc SCB) đã chỉ đạo Nguyễn Phương Anh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty SPG) phối hợp với các chi nhánh của SCB, giúp sức che giấu nguồn gốc số tiền 104.180.211.564.000 đồng.

Tương tự, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng Giám đốc SCB) cũng chỉ đạo Phương Anh phối hợp với các chi nhánh của SCB sử dụng tiền theo mục đích của Lan là 69.085.253.343.990 đồng; bị cáo Trịnh Quang Công (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý ACUMEN) giúp sức rửa tiền 15.694.846.656.150 đồng; Trần Thị Hoàng Uyên giúp sức rửa tiền 5.824.661.000.000 đồng; Trần Xuân Phượng giúp sức rửa số tiền 325.500.000.000 đồng.

Riêng bị cáo Nguyễn Phương Anh thực hiện chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, đã phối hợp với Hoàng, Dung và Nguyễn Phương Hồng lập các khoản vay “khống” tại SCB. Ngoài ra, Anh còn trực tiếp theo dõi thu chi nguồn tiền có nguồn gốc tham ô tài sản của SCB, và từ nguồn tiền lừa đảo do phát hành trái phiếu, vay ngân hàng khác…; Phương Anh cũng quản lý 3 công ty: Blue Pearl; Sài Gòn Penninsula; Easter View. Ba công ty này đã chuyển ra nước ngoài tổng số tiền 256.609.413 USD (tương đương 5.943.333.646.360 đồng), trong đó có 199.715.977 USD (tương đương 4.607.490.192.840 đồng) là số tiền do Trương Mỹ Lan phạm tội mà có.

 

Trước đó, tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 11/4/2024 của TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên bị cáo Chu Lập Cơ 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, bị cáo này đã kháng cáo.