Các sàn thương mại điện tử chớp cơ hội dịp lễ hội cuối năm

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nắm bắt cơ hội Việt Nam bước vào trạng thái bình thường mới, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang tung nhiều chương trình siêu giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn để kích thích mua sắm của người tiêu dùng. Đây cũng được coi giải pháp ưu việt để các DN thúc đẩy doanh số bán hàng, tăng trưởng doanh thu từ nay cho đến cuối năm 2021.

Tăng trưởng ngoạn mục

Với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn, sàn TMĐT Shopee cho biết đã thiết lập 2 kỷ lục mới. Cụ thể, hơn 2 tỷ mặt hàng đã được bán ra trong suốt thời gian diễn ra lễ hội "độc thân” 11/11 và phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào năm 2020; Đồng thời, Shopee cũng tạo nên kỳ tích mới với số lượng người dùng truy cập vào nền tảng tăng gấp 5,5 lần so với ngày thường. Ngoài ra, nhiều nhà bán hàng địa phương tại sàn TMĐT này cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, với lượng đơn hàng tăng lên gấp 18 lần trong lần đầu tiên tham gia chương trình ngày 11/11.

Lễ hội 11/11 dù diễn ra trong bối cảnh Covid-19 phức tạp nhưng chỉ số hàng hóa được giao dịch (GMV) năm nay của ông lớn TMĐT Alibaba vẫn tăng từ 10 triệu Nhân dân tệ (khoảng 1,56 triệu đô la Mỹ) của năm 2020 lên vượt mức 100 triệu Nhân tệ (khoảng 15,6 triệu đô la Mỹ). Trong khi đó, chỉ số GMV của 698 thương hiệu đã tăng lên mức 10 triệu Nhân dân tệ vào ngày 11/11 so với mức 1 triệu Nhân dân tệ (khoảng 156 nghìn đô la Mỹ) của năm 2020. Hơn 45% người mua hàng thuộc thế hệ 9x và 2000. Số lượng người mua hàng thuộc thế hệ 2000 tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. 500.000 sản phẩm có Chứng nhận Sản phẩm Xanh từ hơn 2.000 nhà bán hàng đã được giới thiệu trong danh mục hiển thị ngành hàng thân thiện với môi trường chuyên biệt trên nền tảng Tmall.

Hơn 1.600 thương hiệu đã tham gia thử thách kết nạp thành viên mới và thu hút hơn 97 triệu thành viên mới trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội. Hơn 1,3 triệu sản phẩm mới được cung cấp bởi hơn 29.000 thương hiệu nước ngoài tham gia thông qua nền tảngTmall Global, với khoảng 2.800 thương hiệu nước ngoài lần đầu tiên tham gia Lễ hội. Hơn một triệu gói hàng được giao bởi khoảng 350 phương tiện không người lái Xiaomanlv trong 11 ngày (từ 1/11/2021 đến 11/11/2021, vượt qua khối lượng các gói hàng được giao bởi phương tiện này trong một năm (từ 9/2020 đến 9/2021).

 Dù Covid-19 phức tạp, Lễ hội 11/11 vẫn mang về cho ông lớn TMĐT Alibaba mức tăng trưởng khá tốt

Tương tự, sàn TMĐT Tiki cũng thiết lập kỷ lục tăng trưởng chưa từng có, trở thành chương trình thành công nhất của đơn vị từ trước đến nay. Cụ thể, doanh số bán hàng Ngày độc thân 11/11 năm nay của Tiki tăng 9 lần với số lượng đơn hàng tăng gấp nhiều lần, lượng khách hàng mua sắm tăng gấp 2 lần so với ngày thường.

Với sàn TMĐT Lazada, doanh thu và số đơn đặt hàng trên toàn sàn tăng gấp 2 lần; số lượng thương hiệu, nhà bán hàng tham gia trong Lễ hội mua sắm ngày 11/11 cũng tăng gấp 1,5 lần so năm 2020; doanh thu trên LazMall - hệ thống gian hàng chính hãng tăng gần gấp đôi; doanh thu từ LazLive tăng gấp 7 lần. Đáng chú ý, kênh mua sắm này cũng đang trở thành một trong những công cụ được ủng hộ từ nhà bán hàng và thương hiệu với số lượng tham gia tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo đại diện Tiki, kết quả tích cực của dịp 11/11 năm nay cho thấy sự phục hồi kinh tế sau dịch, đồng thời thể hiện mức độ mua sắm của khách hàng đã trở lại và mạnh mẽ hơn. Điều này cũng thể hiện rõ xu hướng chuyển dịch thói quen tiêu dùng thông thường sang nhóm sản phẩm thiết yếu, sức khỏe, ưu tiên hơn cho những mặt hàng thuộc danh mục nhu yếu phẩm trong ngân sách chi tiêu hàng tháng của gia đình.

Cũng theo chia sẻ của đại diện các sàn TMĐT, thanh toán không tiền mặt vẫn được người tiêu dùng lựa chọn chính. Nguyên nhân, hầu hết những ví điện tử, thẻ tín dụng liên kết với các sàn TMĐT như: ShopeePay, ZaloPay, MoMo, Standchart, VIB, SCB, HSBC, VCB, Techcombank… đều mang đến nhiều ưu đãi hấp dẫn khi thanh toán, vừa đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng của người dùng nên đa số được các khách hàng ưa chuộng sử dụng.

Đón sóng thị trường dịp cuối năm

Cuối năm là thời điểm “vàng” cho DN, nhà bán hàng, sàn TMĐT tăng trưởng doanh thu, phục hồi kinh tế nhờ nhu cầu mua sắm tăng cao. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dịp mua sắm cuối năm đem đến những cơ hội lớn để các DN thúc đẩy doanh số bán hàng cũng như níu giữ chân người tiêu dùng bằng chương trình khuyến mãi “khủng”.

 Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao. Ảnh minh họa

Đại diện sàn TMĐT Lazada Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm "vàng" cho các DN bán lẻ, thương hiệu, nhà bán hàng nhỏ lẻ và các sàn TMĐT lên ngôi nhờ nhu cầu mua sắm tăng cao. Cùng với đó, cả nước đang bước vào trạng thái bình thường mới, người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm cho Tết Nguyên đán sớm hơn thường lệ, có thể bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12. Đáng lưu ý, các nhóm hàng được tập trung sẽ là quần áo, mỹ phẩm, sản phẩm cho bé... Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô hay hoa trái sẽ được tập trung vào khoảng thời gian cận Tết.

Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh Lazada Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: “Mùa lễ hội mua sắm cuối năm sẽ nhận được nhiều sự hưởng ứng hơn khi cả nước đang bước vào giai đoạn bình thường mới. Vì vậy, một bộ phận lớn người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm nhiều hơn sau khoảng thời gian giãn cách”.

Còn theo Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh, sự phát triển của các lễ hội mua sắm dịp cuối năm của sàn TMĐT không chỉ kích cầu mua sắm sau thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19, mà còn là hỗ trợ DN, nhà bán lẻ cùng hưởng lợi từ sàn TMĐT. Bởi trải qua thời điểm khó khăn, nhiều DN và nhà bán lẻ nhận thấy chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà cần phải thực hiện nhanh chóng để có thể phục hồi sau đại dịch.

Trong thời gian qua, Shopee đã không ngừng liên kết với các DN, các thương hiệu, nhãn hàng nổi tiếng tham gia sàn TMĐT để thúc đẩy doanh số bán hàng. Có thể thấy, số lượng nhà bán hàng và thương hiệu hoạt động trên Shopee đã tăng trưởng 60% vào năm 2021.

Có thể khẳng định, những nhận định trên là hoàn toàn sát thực tế và khả quan, bởi theo số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Statista, năm 2020, hơn 2 tỷ người trên thế giới đã mua hàng hóa hoặc dịch vụ trực tuyến; doanh số bán lẻ điện tử vượt mức 4.200 tỷ USD, tăng hơn 25%, trong đó, cuối năm là thời điểm tăng trưởng bứt phá của TMĐT toàn thế giới.

Chỉ riêng năm 2020, TMĐT của Việt Nam tăng trưởng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD. Dự báo, các năm 2021 - 2025 sẽ là thời kỳ phát triển bùng nổ của TMĐT và mức tăng trưởng bình quân có thể lên đến 29%. Cùng với đó, việc tích hợp phương thức thanh toán không tiền mặt trên các sàn TMĐT đang trở thành xu thế tất yếu để thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng