Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách làm sáng tạo hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, UBND xã, năm 2023, số người đến Điểm tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng xã Thanh Liệt với số lượng nhiều hơn.

Họ đã được tư vấn, điều trị, kết nối đến cơ sở cai nghiện ma túy (CNMT) tự nguyện, tạo việc làm.

Nhiều người được tư vấn, hỗ trợ

Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) được thành lập ngày 8/7/2022. Hoạt động của mô hình này nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cai CNMT, huy động các nguồn lực hỗ trợ cho công tác dự phòng, điều trị nghiện ma túy. Đồng thời, nơi đây tạo điều kiện cho người nghiện ma túy tự nguyện tham gia các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, điều trị và phòng chống tái sử dụng ma túy.

Cán bộ Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng xã Thanh Liệt tư vấn cho người nghiện ma túy lựa chọn các chương trình điều trị phù hợp. Ảnh: Trần Oanh
Cán bộ Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng xã Thanh Liệt tư vấn cho người nghiện ma túy lựa chọn các chương trình điều trị phù hợp. Ảnh: Trần Oanh

Hiện nay, trên địa bàn xã Thanh Liệt có 36 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người quản lý sau cai, người đang điều trị bằng thuốc thay thế, người có nghi vấn sử dụng ma túy, người có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy; trong đó 33 đối tượng có mặt tại địa bàn. Số đối tượng đã hoàn thành chương trình CNMT tại địa phương là 29/33. Có 1 đối tượng hiện đang được tiếp cận, lập hồ sơ, ra quyết định quản lý sau cai nghiện tại địa phương.

Trao đổi về mô hình hoạt động Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng xã Thanh Liệt, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt Nguyễn Duy Nhật cho biết: "Chúng tôi phấn đấu tiếp cận 60% số người có nguy cơ cao về sử dụng ma túy, tiếp cận 100% người nghiện ma túy để vận động, giới thiệu họ tham gia chương trình dự phòng và các hoạt động điều trị nghiện. 100% người sử dụng ma túy đến với Điểm tư vấn được tư vấn, lựa chọn các chương trình điều trị phù hợp. Đồng thời, khách hàng được tư vấn cá nhân và tư vấn nhóm về các dịch vụ điều trị của Điểm, kiến thức dự phòng lây nhiễm HIV, viêm gan B/C, sốc ma túy quá liều"…

Kết quả hoạt động từ tháng 7/2022 đến tháng 11/2023 đã có 19 đối tượng đến với Điểm tư vấn. Trong đó có 5 đối tượng năm 2022 và 14 đối tượng được tư vấn năm 2023.

“5 đối tượng đến Điểm tư vấn năm 2022 đều có nhu cầu tư vấn về mặt sức khỏe và được Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thanh Liệt, Phó Chủ nhiệm Điểm tư vấn Nguyễn Thị Thu Huyền hỗ trợ. Trong số 14 đối tượng đến với Điểm tư vấn năm 2023, có 9 người tư vấn về sức khỏe, 3 người tư vấn về việc làm, 2 người tư vấn về cai nghiện tự nguyện trong đó có 1 người được chuyển gửi đi cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội. Trong năm, không có đối tượng được xét nghiệm, đánh giá tái nghiện 1 trường hợp…” - Chủ nhiệm Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng xã Thanh Liệt Nguyễn Duy Nhật cho hay.

Mời khách hàng đến Điểm tư vấn theo kiểu so le

Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã Thanh Liệt, Điểm tư vấn luôn được chú trọng tuyên truyền tại các hội nghị giao ban tại UBND xã, họp thôn, tổ dân phố; các hội nghị triển khai nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy xã, qua phương tiện truyền thanh xã. UBND xã Thanh Liệt đã xây dựng kế hoạch hoạt động của Điểm tư vấn từng năm và phân công nhiệm vụ cho từng ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, các thôn, tổ dân phố.

Và, trước thực tế đối tượng ngại đến Điểm tư vấn, căn cứ vào danh sách đối tượng quản lý, lãnh đạo UBND xã đã giao cho Trưởng Công an xã phối hợp với Ban Chủ nhiệm Điểm tư vấn, Đội Công tác xã hội tình nguyện và các hội đoàn thể vận động, mời các khách hàng đến Điểm tư vấn.

“Chúng tôi mời các đối tượng đến Điểm tư vấn theo kiểu so le, đan chéo nhau. Ví dụ, tháng này chúng tôi mời các đối tượng ở thôn Thượng và Tổ dân phố 1; tháng sau, các đối tượng ở thôn Nội và Tổ dân phố 2… Lúc đầu, đối tượng khách hàng e dè, né tránh nhưng khi được tư vấn thì họ hiểu ra và hợp tác. Với cách làm này, tháng nào cũng có các khách hàng đến Điểm tư vấn, được Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội ghi nhận và đánh giá cao” - ông Nguyễn Duy Nhật cho hay.

Bên cạnh đó, Điểm tư vấn còn tư vấn, hỗ trợ đối tượng tìm việc làm trên địa bàn xã. Đến nay có trường hợp đi lăn sơn tường, có người đi xe ôm, chở hàng, phụ vợ bán hàng ăn… Bà Nguyễn Thanh Hiền là thành viên Đội Công tác xã hội tình nguyện xã Thanh Liệt chia sẻ: "Lúc đầu tôi tiếp cận đối tượng Ng.Đ.C. rất khó khăn, đến nhà 2 lần đều không gặp được vì họ tránh mặt; gọi điện thoại không nghe máy. Thế rồi, với sự kiên trì và giải thích, tôi thuyết phục được đối tượng đến Điểm tư vấn để được hỗ trợ và có quyết tâm CNMT. Hiện nay, trường hợp này đi lăn sơn để có thu nhập, cải thiện sức khỏe và quên đi ma túy".

Chia sẻ về công tác phòng chống ma túy trong thời gian tới, ông Nguyễn Duy Nhật cho biết: "Tới đây, Đội Hoạt động xã hội tình nguyện xã Thanh Liệt sẽ tham gia Hội thi Tuyên truyền phòng, chống ma túy để có cơ hội tìm hiểm sâu hơn về Luật Phòng, chống ma túy và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Với những đối tượng khách hàng của Điểm tư vấn, chúng tôi sẽ tổ chức những hoạt động xã hội để họ được tham gia như làm vệ sinh môi trường, tập huấn phòng cháy chữa cháy ở tổ dân phố, thôn… để được vận động cũng như có tâm trạng thoải mái và hòa nhập cộng đồng".

Hiện nay, cán bộ Điểm tư vấn đều kiêm nhiệm, phần lớn chưa được tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tư vấn và các chất gây nghiện, tâm sinh lý của người nghiện. Vì thế, UBND xã Thanh Liệt đề xuất tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các ngành liên quan tăng cường tập huấn, trau dồi kỹ năng cho các thành viên Điểm tư vấn; cấp kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Điểm tư vấn. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách tư vấn và phụ trách Điểm tư vấn để mô hình này hoạt động thực sự mang lại hiệu quả.